Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập:
Số người đang online:  14
Bạch Long Vỹ không còn thiếu nước
Cập nhật lúc : 4/25/2014 3:18:31 PM
 Bạch Long Vĩ là đảo tiền tiêu phía Đông Bắc của tổ quốc, nằm gần giữa vịnh Bắc Bộ và là đảo xa bờ nhất của Việt Nam. Dù người dân nơi đây còn khó khăn và thiếu thốn nhiều thứ nhưng niềm mỏng mỏi nhất của bà con là nguồn nước ngọt đặc biệt trong mùa khô. Chính vì vậy tìm nước đảo Bạch Long Vỹ luôn là mối quan tâm của các nhà quản lý, khoa học tài nguyên nước.
 
     Theo người dân ở đây, trên đảo Bạch Long Vĩ hiện chỉ có lượng nước ngọt do huyện khai thác từ nguồn nước ngầm và bể chứa nước mưa của các hộ dân, các đơn vị đóng quân trên đảo. Song, lượng nước này chỉ cấp được 100m3/ngày, trong khi đó nhu cầu thực tế của toàn đảo (tính cả nước sản xuất và sinh hoạt) khoảng 600 m3/ngày. Vì thế, đến mùa khô nguồn nước tại đảo đặc biệt khan hiếm.
     Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án xây dựng hồ chức nước ngọt, hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước cho đảo Bạch Long Vĩ giai đoạn 2013-2015. Thành phố Hải Phòng giao cho Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng làm chủ đầu tư với mục tiêu đảm bảo đáp ứng nguồn nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt của 500 người dân trên đảo. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần có những giải pháp cấp nước mang tính bền vững, ổn định và hiệu quả kinh tế cao.
     Mặc dù đã có nhiều đề tài đề cập đến vấn đề cấp nước cho đảo Bạch Long Vỹ, nhưng áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế còn rất khiêm tốn, đặc biệt là các giải pháp bảo đảm cấp nước với quy mô lớn và bền vững. Giải pháp cấp nước cho đảo Bạch Long Vỹ do Viện Thủy công thực hiện thành công vào ngày cuối năm 2013 là một trong số ít đề tài đã được đánh giá cao. 
     PGS.TS. Nguyễn Quốc Dũng cho hay, với cấu tạo địa chất đặc thù, Bạch Long Vĩ là núi thoải dần về phía Nam, hình thành một lớp cát dày 3 đến 4m phủ trên mặt đất, nằm trên một tầng cát kết không thấm nước. Đặc biệt, bề mặt lớp cát kết này vồng lên khi gần ra đến biển, nhờ vậy nước mưa bị giữ lại một phần trong lớp cát phủ, hình thành các vũng nước tự nhiên, nhưng về mùa khô vẫn cạn nước do không được chắn hoàn toàn, lớp cát phía trên vẫn thông ra biển.
     Trong thực tế, lợi dụng tự nhiên, các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn đã cho đào ao và đắp bờ để tích nước và dung bơm nước lên đồi để sử dụng cho sinh hoạt. Tuy nhiên, do không xử lý triệt để hiện tượng thông nước qua tầng cát nên ao này không giữ được nước. Chính vì vậy, mặc dù trên đảo hiện có 2 giếng khoan nước ngầm, nhưng chỉ một giếng có nước. Đó là chưa kể, lưu lượng giếng không đáp ứng nhu cầu trên đảo, nhiều lần muốn nâng cấp các giếng khoan nhưng không thành công do trữ lượng lượng nước ngầm hạn chế. 
     Qua nghiên cứu, Viện Thủy công đã sử dụng giải pháp tường chắn ngầm (bằng lót vải HDPE) để chắn nước trong tầng cát và sử dụng hệ thống thu lọc nước bằng Water Belt để lấy nước tập trung vào giếng thu, từ đó kết nối bằng bơm với hệ thống cấp nước cũ, cho chất lượng đảm bảo vệ sinh hơn trước đây. 
     Kết quả bơm thử vào cuối tháng 12/2013 (tức đầu mùa khô) cho thấy, đã có thể cấp nước với lưu lượng 300 m3/ngày đêm gấp 5 lần yêu cầu đặt ra (60 m3/ngày đêm). Đề tài được đánh giá cao với hệ thống thiết kế hợp lý, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới bảo đảm bền vững, giảm giá thành. 
    PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng  - Viện trưởng Viện Thủy công cho biết, hiệu quả kinh tế mà đề tài mang lại là với kinh phí cấp cho dự án trên 2tỷ đồng nhưng đã đem lại khối lượng nước tương đối lớn với lưu lượng 300 m3/ngày đêm. Còn nếu tính riêng cho 3 tháng mùa khô có thể cấp được 27.000 m3.    
     Trong khi đó, với hồ treo 10.000 m3 do Tổng đội thanh niên xung phong dự kiến xây dựng hết 30 tỷ đồng. Đó là chưa kể chất lượng nước trong hồ treo chưa giải quyết được. Ngoài ra, dự án đã mang lại nhiều hiệu quả xã hội đáng kể. Từ đây mở ra hướng giải quyết bền vững việc cấp nước cho các đảo khác, có ý nghĩa xã hội và quốc phòng to lớn.
Nguồn: http://www.monre.gov.vn/

Về đầu trangIn trang

VIDEO

Thời tiết

Tỷ giá

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy website này thế nào?
  Giao diện đẹp, phù hợp
  Cấu trúc web chưa hợp lý
  Bình thường, cần điều chỉnh thêm
  Ý kiến khác (xin gửi về email: iwe.vietnam@gmail.com )