Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập:
Số người đang online:  443689
Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long & một số giải pháp khắc phục
Cập nhật lúc : 12/6/2011 1:21:44 PM
Bên cạnh những thiệt hại nghiêm trọng về con người và vật chất do lũ lụt gây ra, việc thiếu hụt nguồn nước ngọt về mùa khô ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đã và đang trở nên trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Bài viết đánh giá tình hình thiếu hụt nguồn nước ngọt ở vùng ĐBSCL và phân tích một số giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục tình trạng trên

 

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích gần 40 ngàn km2, dân số hơn 18 triệu người, là vùng kinh tế hết sức quan trọng của đất nước, giàu tiềm năng về nhiều mặt, chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và là chìa khoá chính trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Sản lượng lúa chiếm trên 50% (xuất khẩu 95%) sản lượng thủy sản chiếm 65% và 70% sản lượng cây ăn trái cả nước. Việc quản lý khai thác nguồn nước vùng ĐBSCL phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế xã hội có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước.

Từ sau ngày miền Nam thống nhất đến nay dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của các đơn vị tổ chức, các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng với sự nhạy bén và kinh nghiệm quý báu của nhân dân, vùng ĐBSCL đã có những bước tiến nhảy vọt về mọi mặt làm cho nhiều nhà khoa học nước ngoài phải nể phục. Trong đó đặc biệt phải kể đến là vấn đề thau chua rửa mặn, kiểm soát lũ cho cả khu vực bằng nhiều giải pháp công trình và phi công trình... Tuy nhiên, phía trước vẫn đang còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua để có thể xây dựng phát triển vùng kinh tế trọng điểm tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của nó.

Một trong những vấn đề khó khăn, thách thức cả về trước mắt cũng như lâu dài cần phải chủ động đối phó ngay đó là tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn nước ngọt.

Nguy cơ và khó khăn do thiếu hụt nguồn nước

Thách thức đối với vấn đề quản lý khai thác nguồn nước ở ĐBSCL là rất lớn như vấn đề lũ lụt, vấn đề sạt lở bờ sông, vấn đề ô nhiễm môi trường... Trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến vấn đề thiếu hụt nguồn nước ngọt và những hệ lụy cơ bản mà nó gây ra.

Như chúng ta đã thấy tài nguyên nước có xu hướng suy thoái do tác động của con người và biến đổi khí hậu toàn cầu. Về mùa khô ở ĐBSCL hầu như không có mưa, nguồn nước chủ yếu do sông Mê Kông cung cấp, bình quân lưu lượng kiệt của sông Mê Kông chảy về ĐBSCL khoảng 2000 m3/s. Trong giai đoạn tới, 5 nước trong lưu vực sông Mê Kông sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế. Đây là những nước có nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước nên nhu cầu dùng nước rất nhiều, bên cạnh đó thảm thực vật phía thượng nguồn đang bị suy giảm nghiêm trọng. Ước tính lưu lượng chảy về ĐBSCL lúc đó chỉ còn khoảng 1000 m3/s, nguy cơ hạn hán sẽ rất nghiêm trọng.

Điều này hoàn toàn phù hợp với dự báo của Tổ chức Quỹ bảo vệ thiên nhiên Thế giới (WWF). Theo đánh giá của tổ chức này, trong số 5 dòng sông đang bị cạn kiệt ở châu Á, ngoài các sông Dương Tử, Salween, Ganges và Indus, có cả sông Mê Kông đi qua Việt Nam. Khu vực ĐBSCL có diện tích 39.313 km2, chiếm hơn 79% diện tích của tam giác châu Mê Kông. Qua đó dễ dàng hình dung trong trường hợp sông Mê Kông bị cạn kiệt sẽ là thảm họa cho cả khu vực.

Vấn đề thiếu hụt nguồn nước ngọt sẽ tác động hết sức tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Riêng đối với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thiếu nguồn nước sẽ gây ra những khó khăn tổn thất lớn ở những vấn đề chính như sau:

+ Thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả và dân sinh

+ Thiếu nguồn nước ngọt phục vụ cho nuôi thủy sản

+ Theo dự báo trong những năm tới, mực nước biển sẽ ngày một dâng cao, khả năng xâm nhập mặn sẽ rất lớn. Lưu lượng nước thượng nguồn về bị giảm sút sẽ không đủ lưu lượng đẩy mặn, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa, thực tế có những năm ở một số sông mặn xâm nhập sâu đến gần 90 km như ở Mộc Hoá (Long An) (có lúc độ mặn lên tới 4&permil) gây khó khăn lớn tới sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Một số giải pháp

Như vậy, song song với giải bài toán dòng chảy lũ cho ĐBSCL chúng ta cần phải tập trung đầu tư cho vấn đề giải quyết bài toán dòng chảy kiệt. Nếu không có những bước chuẩn bị ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ phải trả giá đắt do tình trạng thiếu hụt nguồn nước gây ra. Đây không còn là vấn đề mới, nhưng cần phải có sự đầu tư, tập trung cao hơn, quyết liệt hơn của tất cả các cấp, các ngành liên quan.

Về nguyên tắc có 3 giải pháp chính nhằm tạo nguồn nước cho ĐBSCL:

Trữ nước ngọt bằng các hồ nhân tạo:

Giải pháp này đã được một số tổ chức, cá nhân đề xuất với mục đích xây dựng đào một số hồ ở những vùng ngập sâu nơi mà sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả như ở Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, một số khu vực rừng U Minh (Cà Mau), những vùng trũng này có thể tạo ra các hồ chứa tới vài tỷ mét khối nước.

Xây dựng các công trình ngăn sông quy mô vừa:

Để ngăn mặn và trữ nước cho từng vùng, kết hợp chống hạn đi kèm với ngăn mặn. Hiện tại, đại đa số các công trình vùng ĐBSCL đã và đang được quy hoạch xây dựng theo hướng này. Theo đó, các công trình thủy lợi đã ngăn được một số nhánh sông nhỏ chảy vào sông lớn (hoặc ngăn được một số sông vừa), bỏ ngõ sông lớn thoát lũ và chấp nhận cho mặn xâm nhập. Như thế, ngăn mặn chưa thật triệt để vì dòng mặn còn xâm nhập sâu vào nội địa và trong nhiều trường hợp nếu nguồn nước ngọt phía thượng lưu bị thiếu hụt thì khả năng “tập hậu” mặn là rất lớn khi đó việc ngăn mặn ở các sông nhỏ sẽ kém hiệu quả rất nhiều. Mặt khác, theo hướng này sẽ không có khả năng khai thác nguồn nước ngọt dồi dào ở những dòng sông lớn. 

Xây dựng các công trình thủy lợi theo hướng này sẽ phát huy tác dụng tốt khi kết hợp với công tác xây dựng các hệ thống đê vùng khép kín. Ưu điểm nổi bật của giải pháp này là công trình xây dựng đơn giản, mức đầu tư xây dựng thấp, hiệu quả xây dựng công trình sớm phát huy, phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay.

Ngăn các cửa sông lớn:

Đây là giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài. Giải pháp này sẽ hình thành hai hướng quản lý khai thác nguồn nước.

- Hướng thứ nhất:

Ngăn mặn giữ ngọt, tiêu úng thoát lũ triệt để (mang tính chất Ngăn mặn). Theo hướng này, tất cả các dòng sông lớn ở vùng ĐBSCL đều được xây dựng. Việc ngăn các sông lớn sẽ mang lại hiệu quả như sau:

- Ngăn được xâm nhập mặn cả về nước mặt và thấm mặn.

- Trữ được lượng nước ngọt khá lớn (hàng chục tỷ m3 nước) do đó sử dụng được phần lớn lượng nước ngọt do thượng nguồn đổ về.

- Gạn triều tiêu úng cải tạo đất thuận lợi.

- Cải thiện được khả năng thoát lũ (tốt hơn) vì biến dòng sông thành 1 chiều, không phải tiêu lượng nước triều chảy vào như trước đây.

Phương pháp ngăn các sông lớn này sẽ biến ĐBSCL thành đồng bằng vùng nước ngọt ở phía trên và vùng mặn ở phía dưới gần biển.

Hướng giải quyết này sẽ cho phép ta giải quyết triệt để vấn đề xâm nhập mặn, cải thiện rất tốt vấn đề thoát lũ (khả năng thoát lũ sẽ tốt hơn rất nhiều). Tuy nhiên cần phải nghiên cứu đánh giá một cách đầy đủ hơn về tác động môi trường, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp của một bộ phận lớn dân cư do sự chuyển đổi giữa vùng sinh thái mặn - ngọt hoặc lợ - ngọt. Mặt khác để giải quyết được theo hướng này, cần một lượng kinh phí rất lớn. Đây là những trở ngại to lớn khi nghiên cứu giải quyết theo hướng triệt để.

- Hướng thứ 2:

Ngăn lần lượt một hoặc một số sông lớn. Những sông còn lại vẫn tiếp tục được quản lý khai thác theo quy hoạch. Giải pháp này mang tính chất Kiểm soát mặn. Đây là giải pháp mang tính trung hòa.

Một số vùng sẽ được ngọt hóa hoàn toàn giống như Hướng thứ nhất. Một số vùng sẽ vẫn nằm trong tình trạng nước lợ nhưng bản đồ cơ cấu vùng sản xuất này sẽ bị biến đổi do ảnh hưởng của việc ngăn một số dòng sông lớn đã bổ sung lượng nước ngọt đáng kể cho phía thượng lưu công trình. Lưu lượng này sẽ được điều tiết sang các nhánh sông khác trong hệ thống theo sơ đồ thủy lực mạng để đẩy mặn xuống sâu hơn về phía biển. Nhờ vậy việc kiểm soát mặn sẽ được chủ động hơn. Nhược điểm của hướng này là ngăn mặn, giữ ngọt không triệt để. Tuy nhiên theo phương án này có khá nhiều mặt ưu điểm: Phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay (kinh phí và trình độ khoa học thiết bị chỉ đáp ứng xây dựng được lần lượt từng con sông) Không gây xáo trộn quá nhiều và đột ngột về đời sống kinh tế - xã hội trong cả vùng (so với Hướng thứ nhất đã phân tích ở trên).

Hiện nay ở Hà Lan, vẫn tồn tại cả 2 hình thức công trình ngăn mặn giữ ngọt (Ngăn mặn) và hệ thống công trình kiểm soát mặn như đã phân tích ở trên và thực tiễn cho thấy đã phát huy hiêu quả rất lớn.

Những thách thức cần phải được giải quyết

Việc nghiên cứu, phân tích đánh giá các giải pháp nói trên nhằm lựa chọn được hướng giải quyết tối ưu trên cơ sở phân tích một cách tổng hợp lợi ích kinh tế - chính trị - xã hội hài hòa đòi hỏi phải có sự phối kết hợp chặt chẽ của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và đặc biệt phải nhận được sự đồng tình ủng hộ, thống nhất giữa chính quyền và nhân dân.

Với đặc điểm sông rộng, cột nước sâu, địa chất rất yếu, lũ lụt xảy ra hàng năm, chế độ triều Biển Đông mạnh, giao thông thủy và đời sống người dân gắn liền với sông nước là những yếu tố quan trọng và cơ bản nhất khiến cho việc thi công các công trình ngăn sông quy mô lớn theo công nghệ truyền thống gần như không thể thực hiện được. Trong khi đó, chúng ta cũng không thể máy móc ứng dụng nguyên công nghệ của nước ngoài vì đặc điểm công trình khác nhau và giá thành quá đắt. Đây chính là những nguyên nhân, trở ngại mà từ trước tới nay chưa thể vượt qua về mặt kỹ thuật, khiến cho vấn đề ngăn sông lớn ở ĐBSCL chưa được đề cập đến một cách đầy đủ.

Tính phức tạp và khó khăn của công nghệ mới thể hiện ở chỗ là phải đáp ứng được gần như đồng thời các yêu cầu chính như sau:

+ Trong và sau khi xây dựng công trình không được ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của sông hoặc chỉ ảnh hưởng rất nhỏ không đáng kể

+ Không ảnh hưởng đến giao thông thủy kể cả trong quá trình thi công

+ Hạn chế đến mức tối thiểu di dân giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng thấp nhất về môi trường trong quá trình thi công (thi công không cần đắp đê quai sanh, dẫn dòng thi công)

+ Giá thành xây dựng công trình thấp.

Trong những năm vừa qua, ở nước ta tư duy xây dựng các công trình ngăn sông đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, một số công nghệ mới đã được áp dụng. Trong đó nổi bật là công nghệ ngăn sông dạng đập Trụ Đỡ và công nghệ đập Xà Lan do Viện Khoa học Thủy lợi đề xuất nghiên cứu và ứng dụng thành công vào thực tế đạt hiệu quả cao cho những vùng ngăn triều giữ ngọt vùng ven biển. Song để áp dụng vào thiết kế xây dựng các công trình ngăn sông lớn như ở ĐBSCL thì vấn đề kỹ thuật còn cần phải nỗ lực nghiên cứu nhiều. Viện KHTL đang chủ trì đề tài nghiên cứu để giải quyết vấn đề này và đã nhận được nhiều sự hợp tác của các nhà khoa học phối hợp tập trung giải quyết. Chúng tôi tin tưởng rằng trong thời gian ngắn sắp tới, hoàn toàn có đủ khả năng làm chủ công nghệ để ngăn được các sông lớn ở vùng ĐBSCL.

Một vấn đề chúng ta cần lưu ý là việc xây dựng các công trình ngăn sông tạo nguồn nước không những có tác động tích cực đến việc cải thiện dòng chảy kiệt, bổ sung nguồn nước mà nó còn có tác dụng ngăn chặn khả năng xâm nhập mặn, nhờ vậy không mất thêm nước ngọt để đẩy mặn đồng thời sẽ giảm được lũ do chặn được lưu lượng hồi quy do dòng chảy ngược trong mùa lũ khi triều lên. Chính vì thế, việc nghiên cứu các công nghệ ngăn sông lớn xét về một góc độ nào đó cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán kiểm soát lũ ở vùng ĐBSCL.

Kết luận

Vấn đề thiếu nguồn nước ở ĐBSCL và những hệ lụy của nó là hiện hữu và có thể trở thành thảm họa trong tương lai gần. Do đó, song song với việc nghiên cứu dòng chảy lũ, kiểm soát lũ cho hệ thống sông ở ĐBSCL, vấn đề nghiên cứu dòng chảy kiệt và các giải pháp khoa học công nghệ tương ứng đã đến lúc cần phải được chú trọng, đầu tư một cách đúng mức. Vì vậy, ngay từ bây giờ Nhà nước cần có một chương trình lớn nghiên cứu về vấn đề này làm cơ sở khoa học, tìm ra phương án công trình hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các bước tiếp theo của quá trình đầu tư xây dựng công trình.

Đây là những vấn đề mang tính chiến lược, liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước do đó cần phải được nghiên cứu xem xét một cách khoa học và có bài bản, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến giải pháp công trình bởi vì nó không chỉ đảm bảo những nhiệm vụ như cấp nước nông nghiệp, dân sinh, công nghiệp... mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thoát lũ, giao thông thủy, đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái cho cả khu vực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Báo cáo kế hoạch phát triển Nông nghiệp, Nông thôn 5 năm 2006-1010”, Hà Nội 7/2005.

[2]. Bài tham luận của Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Nguyễn Cảnh Dinh gửi Hội thảo khoa học về “Quy hoạch thủy lợi bán đảo Cà Mau”, 12//2006.

[3]. Một số kết quả nghiên cứu định kỳ năm 2006, 2007 của đề tài NCKH cấp Bộ “Nghiên cứu công nghệ để thiết kế xây dựng các công trình ngăn sông lớn vùng triều”, Hà Nội, 7/2007.

Tác giả: PGS.TS. Trần Đình Hòa
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Nguồn: Tuyển tập KHCN 50 năm XD&PT

Về đầu trangIn trang

VIDEO

Thời tiết

Tỷ giá

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy website này thế nào?
  Giao diện đẹp, phù hợp
  Cấu trúc web chưa hợp lý
  Bình thường, cần điều chỉnh thêm
  Ý kiến khác (xin gửi về email: iwe.vietnam@gmail.com )