Tái cơ cấu Thủy lợi là điều kiện sống còn trước hết cho sản xuất nông nghiệp và sau đó là phục vụ phát triển KTXH của Quốc gia. Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, chính sách tăng cường ứng dụng KHCN đặc biệt là công nghệ cao trong cảnh báo, dự báo thiên tai tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, khai thác từ TW đến cơ sở đổi mới và nâng cao vai trò thông tin, tuyên truyền&hellip đó là kết luận của Thứ trưởng thường trực Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Thủy lợi diễn ra sáng nay 07/01/2016 tại Hà Nội.
 
Tham dự hội nghị dưới sự đồng chủ trì của 2 Thứ trưởng: Thứ trưởng thường trực Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thắng có các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục, đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ: Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, Vụ Pháp chế và Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường.
Thay mặt Tổng cục Thủy lợi, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh báo cáo khái quát kết quả đạt được sau hơn một năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy lợi, những tồn tại, hạn chế và giải pháp triển khai năm 2016 và trong thời gian tới. Theo đó, để góp phần thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” ban hành kèm theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/4/2014 Bộ trưởng Cao Đức Phát đã ký, phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành thủy lợi (Quyết định số 794/QĐ-BNN-TCTL). Với sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Tổng cục Thủy lợi, đến nay việc triển khai Đề án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, của Tổng cục trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án trong năm qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Chính sách thiếu đồng bộ, chồng chéo giữa các ngành, tính khả thi còn hạn chế thiếu nguồn lực thực hiện ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao do chưa đảm bảo thị trường tiêu thụ cho hàng hóa nông sản sự tham gia của người dân vào công tác thủy lợi còn hạn chế.
 
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thắng chỉ đạo: Tập trung thực hiện và chỉ đạo thực hiện hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách đặc biệt là cần đổi mới nhận thức trong xây dựng dự thảo Luật Thủy lợi. Đổi mới cơ chế đầu tư công, khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư &ndash PPP. Tăng cường hơn nữa triển khai ứng dụng KHCN vào thực tiễn nhất là công nghệ viễn thám trong dự báo, cảnh báo thiên tai theo thời gian thực. Chú trọng việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, khai thác nhất là cán bộ cấp huyện, cấp xã. Đổi mới phương thức truyền thông để từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng và từng người dân. Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, xử lý và yêu cầu các cấp chính quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
 
Tiếp theo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh thêm: Tổng cục Thủy lợi và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục cập nhật, hoàn thiện về nội dung, giải pháp trong đó chú ý tới các giải pháp phi công trình để đảm bảo việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu Thủy lợi mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Tăng cường hơn nữa công tác hợp tác quốc tế. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ tháo gỡ, giải quyết những vấn đề còn chồng chéo giữa các đơn vị hiện nay.
|