|
  |
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
  |
Sáng 12/5, tại Bộ NN&PTNT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ năm 2015 đến nay và triển khai nhiệm vụ những tháng tiếp theo
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trung tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Đô đốc-Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Tại các điểm cầu trực tuyến là lãnh đạo UBND, thành viên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố.
 
Qua thống kê, năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino cường độ mạnh, kéo dài nhất trong lịch sử nên tình hình thiên tai diễn biến bất thường. Số trận thiên tai ít hơn so với trung bình nhiều năm nhưng xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai cực đoan.
 
Năm 2015, các vụ cháy nổ, cháy rừng tăng so với năm 2014 tai nạn trên biển, trên sông, sập đổ công trình, hầm lò xảy ra nhiều. Còn trong năm nay, tính đến ngày 15/4, toàn quốc xảy ra 5.016 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố (không kể tai nạn giao thông đường bộ).
 
Trước tình hình thiên tai, tai nạn diễn biến phức tạp nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành đã thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến để có những chỉ đạo ứng phó, khắc phục kịp thời.
 
Các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương đã làm tốt công tác chuẩn bị phòng ngừa theo phương châm “bốn tại chỗ”, tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời, có hiệu quả các biện pháp ứng phó với thiên tai, sự cố, tai nạn.
Sau thiên tai, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời hỗ trợ, khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
 
Công tác dự báo còn nhiều hạn chế
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ rõ những mặt còn hạn chế, những khó khăn trong công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với sự cố trong thời gian tới.
 
Theo Phó Thủ tướng, hạn chế lớn nhất là công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Đây là hạn chế đã được chỉ ra nhưng vẫn chưa được khắc phục. Việc quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, nhất là các hiện tượng thiên tai cực đoan như giông lốc, mưa lũ cục bộ vẫn còn khó khăn vì mật độ các trạm quan trắc còn quá thưa, hệ thống quan trắc chưa đồng bộ, công nghệ dự báo còn hạn chế.
 
Thực tế thời gian qua cho thấy, do hạn chế trong dự báo mưa, lũ nên các cơ quan chức năng không chủ động được trong chỉ đạo vận hành hồ chứa, tích, xả nước, kết quả là đến cuối mùa mưa thì nhiều hồ không tích đủ nước, dẫn tới những khó khăn về nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô. Hay một ví dụ khác là sự cố giông lốc gây đổ cột đường dây 500 kV ở Bắc Giang đầu tháng 5 vừa qua, nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được sức gió mạnh nhất là bao nhiêu.
 
Một hạn chế khác là công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính tự giác của doanh nghiệp, người dân trong phòng, chống thiên tai, sự cố, tai nạn. Việc ứng dụng khoa học-công nghệ cao phục vụ chỉ đạo, ứng phó, hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực còn hạn chế.
 
Bên cạnh những mặt còn hạn chế nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu ra những bất cập trong xây dựng cơ sở hạ tầng, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước&hellip, hay hạn chế về nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng ngừa và khắc phục thiên tai.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng
Để chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả với thiên tai, hạn chế rủi ro, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn để thực hiện các chương trình, đề án đã được Thủ tướng phê duyệt như: Bổ sung, nâng cao chất lượng công tác dự báo củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, bảo đảm an toàn hồ chứa xây dựng khu neo đậu tàu thuyền, di dời dân cư vùng thiên tai xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần, hệ thống giám sát thông tin hồ chứa.
 
Phó Thủ tướng lưu ý các cơ quan truyền thông, các bộ, ngành, địa phương áp dụng các biện pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương để người dân có thể nắm được thông tin về thiên tai và chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống, ứng phó với thiên tai, sự cố.
 
Đối với Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Phó Thủ tướng đề nghị cần sớm chỉ đạo việc xây dựng các công cụ hỗ trợ điều hành theo thời gian thực khi có tình huống xảy ra, nhất là đối với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn, hạn hán, xâm nhập mặn và điều tiết hồ chứa nước.
 
Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm để huy động kịp thời khi có yêu cầu. Xây dựng kế hoạch và triển khai diễn tập cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống thiên tai, sự cố nhằm bảo đảm chủ động ứng phó trong mọi tình huống, nhất là đối với những tình huống thiên tai cực đoan.
 
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo theo dõi, vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du trong mùa mưa lũ, đồng thời cần phòng, chống hạn hán chỉ đạo dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết, đặc biệt là lương thực và nước uống, sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu.
 
Trong thời gian tới, các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp chủ động ứng phó hiệu quả, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Cùng với đó, các địa phương trên cả nước cũng phải chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với lũ lụt do tác động của La Nina.
 
Theo www.chinhphu.vn |
|
|