|
  |
Hội nghị sơ kết Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN |
  |
Ngày 22/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, trong giai đoạn tới để Chương trình đạt hiệu quả cần có những đóng góp thiết thực, kịp thời hơn nữa của các nhà khoa học.
Các đề tài, dự án phải thực sự bám sát yêu cầu của các địa phương, doanh nghiệp, người dân hỗ trợ tích cực hơn nữa cho công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình nông thôn mới, nhất là trong việc đề xuất cơ chế, chính sách, phương pháp, cách làm hiệu quả và bền vững, nhất là cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thúc đẩy chuyển đổi tích cực cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh, Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới có đặc thù riêng, do đó, giai đoạn tới cần đẩy nhanh thực hiện chương trình sớm đưa kết quả đạt được vào triển khai trên diện rộng.
Trước mắt, Ban chủ nhiệm Chương trình cần xây dựng khung chương trình cho giai đoạn mới trong đó nêu rõ các nội dung và dự kiến kết quả cần đạt được.
Ưu tiên triển khai các dự án có nội dung: chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với đặc thù của từng địa phương đào tạo kỹ thuật viên vào tập huấn cho nông dân ứng dụng các công nghệ vào thực tế thông qua các mô hình nhằm mục tiêu làm chủ và phát triển các công nghệ đã được chuyển giao và phát triển kinh tế địa phương bằng khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, các công nghệ đưa vào ứng dụng phải là công nghệ tiên tiến, phù hợp, góp phần quan trọng dể tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.
Ngoài ra, cần huy động đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất và dân sinh ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho các xã có điều kiện khó khăn, xã điểm trong xây dựng nông thôn mới&hellip
GS TS Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới cho biết, kết quả quan trọng nhất của Chương trình là đã liên kết được 4 nhà (khoa học, nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp) và các tổ chức hợp tác xã.
Các mô hình, dự án đã chuyển giao khoa học công nghệ, mang lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao đời sống của nông dân. Bên cạnh đó, nhận thức của người nông dân đã thay đổi, họ hiểu rằng muốn tăng năng suất, thu nhập là phải dựa vào khoa học công nghệ.
GS TS Nguyễn Tuấn Anh hy vọng, các cơ quan chuyên môn đóng góp ý kiến để chương trình hoàn thiện và tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, mong muốn sự tham gia rộng rãi của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nông dân và đặc biệt là các xã tham gia xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn tới, phấn đấu 70% đề tài, dự án thuộc Chương trình có kết quả 100% đề tài có kết quả được áp dụng vào thực tế xây dựng nông thôn mới. Xây dựng được các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật có sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp trong đó ít nhất có 60% mô hình tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các xã xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, chuyển giao được các công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với các vùng miền, tăng hiệu quả sản xuất lên tối thiểu 25%, góp phần tăng thu nhập cho nông dân từ 20% trở lên.
Sau gần 3 năm triển khai, chương trình giới thiệu chuyển giao vào sản xuất được 105 công nghệ xây dựng được 85 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và 50 mô hình liên kết giữa 50 doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Có khoảng 5.000 hộ nông dân của gần 100 xã tham gia chương trình được hưởng lợi.
Theo Thành Trung/BNEWS/TTXVN
|