Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập:
Số người đang online:  118
Phát triển nông nghiệp: Những thách thức về tài nguyên và môi trường
Cập nhật lúc : 10/7/2016 1:14:32 PM
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tăng trưởng kinh tế nhanh, kết hợp với sự gia tăng dân số và mở rộng sản xuất nông nghiệp đang gây ra những áp lực lớn về tài nguyên và môi trường (TN&MT). Hầu hết các nguồn lực tối thiểu cho việc mở rộng sản xuất nông nghiệp như đất canh tác, lao động giá rẻ, tỷ lệ sử dụng phân bón cao đã được khai thác tới giới hạn trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các tác động tiêu cực về môi trường đang ngày càng rõ nét.

Nguy cơ gia tăng áp lực tới TN&MT sẽ làm giảm tăng trưởng và năng suất nông nghiệp trong dài hạn. Đây là những thách thức lớn mà nền nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong những thập kỷ phát triển tiếp theo.
 

Tài nguyên bị khai thác tới hạn

Theo Ts. Vũ Thị Hoài Thu - trường Đại học Kinh tế quốc dân, so với các nước trong khu vực, tổng diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam đã tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trong 20 năm qua. Năm 2012, Việt Nam có 10,8 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 35% diện tích đất, bao gồm 6,5 triệu ha đất canh tác (chiếm 60%), 3,7 triệu ha cây lâu năm (chiếm 34%) và chỉ có 0,6 triệu ha 6% dành cho đồng cỏ và chăn nuôi bò.

Tuy nhiên, Ts. Thu cho rằng hiện có ba thách thức lớn đối với tài nguyên đất trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam: đất nông nghiệp rất khan hiếm, diện tích đất có thể khai thác đã được sử dụng tới hạn diện tích đất bình quân đầu người là 0,12 ha chỉ bằng 1/6 mức trung bình của thế giới diện tích đất sản xuất nhỏ, các diện tích lớn chủ yếu do DN nhà nước quản lý (chiếm khoảng 20%) diện tích đất nông nghiệp dành cho cây trồng lâu năm. Khoảng 9,6 triệu hộ nông dân sử dụng phần đất còn lại.

Nước - nguồn tài nguyên quý giá đang bị sử dụng phung phí

Không những ít đất, mà đất có chất lượng cao ở Việt Nam không nhiều, khoảng 30% nguồn tài nguyên đất có chất lượng tốt, chủ yếu là đất phù sa ở ĐBSH và ĐBSCL, phần còn lại có giới hạn về độ phì của đất. Hơn 50% đất canh tác được phân loại là đất có vấn đề về dinh dưỡng thấp, độ thẩm thấu quá nhiều: chua, mặn, nhiều nhôm và đất xám (đất sét không màu mỡ, tỷ lệ nhôm cao).

Phát triển nông nghiệp khiến tài nguyên rừng bị xâm hại. Nạn phá rừng do trồng cây nông nghiệp có lợi nhuận cao, đặc biệt là cà phê, đã diễn ra rất mạnh vào đầu những năm 1990. Việc phá rừng để mở rộng diện tích chỉ được khắc phục một phần qua nỗ lực trồng rừng trong 15 năm qua. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mất rừng nguyên sinh cao nhất thế giới (chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng diện tích rừng).

Một trong những nguyên nhân nạn phá rừng bắt nguồn từ việc các hộ nông dân có thu nhập thấp phá rừng lấy đất trồng cà phê, cao su. Điều này đặc biệt nghiêm trọng ở Tây Nguyên, nơi có tới 79% diện tích trồng cao su mới được trồng trên đất rừng tự nhiên. Hơn 2/3 diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam bị đánh giá là rừng “nghèo” hay chất lượng “đang phục hồi” và rừng trên những vùng đất thấp đã gần như cạn kiệt hoàn toàn.

Ô nhiễm môi trường là thách thức lớn

Về tài nguyên nước, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên nước tương đối phong phú, nhưng có sự khác biệt đáng kể theo vùng và mùa vụ. Nông nghiệp tạo ra áp lực đáng kể và ngày càng tăng tới tài nguyên nước, do sử dụng 95% lượng nước ngọt. Thiếu nước ở các địa phương thường xảy ra vào mùa khô, đặc biệt là ở các tỉnh Đông Nam bộ. Hơn nữa, gần 60% nguồn nước của Việt Nam bắt nguồn từ bên ngoài, làm cho nguồn nước của Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi quyết định của các nước ở thượng nguồn.

Ô nhiễm môi trường cũng là thách thức lớn. Do sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu và hóa chất khác, nên sản xuất nông nghiệp đã gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường đất và nước.

Theo Bộ TN&MT, cây trồng chỉ hấp thụ trung bình khoảng 40 - 50% lượng phân bón, 50 - 60% lượng phân bón còn lại vẫn còn tồn lưu trong đất. Lượng sử dụng phân lân và kali trên cây lúa khá cao, gấp trên 6 lần mức khuyến cáo. Dư lượng phân hóa học làm ô nhiễm nguồn nước, gây phù dưỡng hóa, gây tác hại tới thủy sinh, nguồn lợi thủy sản và làm thoái hóa đất.

Hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường thông qua nhiều con đường khác nhau như nước thải từ kho chứa thuốc khi có sự cố đổ vỡ, nước mưa chảy tràn qua các kho chứa đã bị xuống cấp, lượng thuốc còn dư đọng lại trong chai bị quăng xuống ao, hồ, sông hay lượng thuốc dư thừa trong quá trình sử dụng quá liều lượng ngấm vào đất cũng như mạch nước ngầm&hellip

Ngoài ra, mỗi năm chất thải từ chăn nuôi lên tới 84,5 triệu tấn, phế phẩm sau thu hoạch ở ĐBSH và ĐBSCL hàng năm ước tính lên 76 triệu tấn. Những chất này nếu không được giải quyết cũng là một nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn.

Tổng phát thải khí nhà kính năm 2010 trong lĩnh vực nông nghiệp là 88,354 triệu tấn CO2 tương đương, trong khi đó, phát thải từ canh tác lúa chiếm 50,5%, từ dất nông nghiệp là 27%....

Ts. Vũ Thị Hoài Thu cho rằng để giải quyết những thách thức về TN&MT trong phát triển nông nghiệp, ngành nông nghiệp cần sản xuất ra lượng nhiều hơn trong khi sử dụng ít hơn các tài nguyên đang trở nên khan hiếm và đắt hơn nhằm nâng cao năng suất để đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực, đồng thời góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giám sát, tuân thủ và thực thi Luật Bảo vệ môi trường. Cần tăng cường vai trò của hệ thống khuyến nông ở địa phương trong việc giúp nông dân hiểu rõ các lợi ích ngắn hạn và dài hạn của việc triển khai các quy định về môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn như giảm chi phí sản xuất thông qua giám sát sử dụng hóa chất, đặc biệt là ở các lĩnh vực sử dụng quá mức các loại hóa chất đầu vào.

Nguồn: Cục Quản lý Tài nguyên Nước


Về đầu trangIn trang

VIDEO

Thời tiết

Tỷ giá

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy website này thế nào?
  Giao diện đẹp, phù hợp
  Cấu trúc web chưa hợp lý
  Bình thường, cần điều chỉnh thêm
  Ý kiến khác (xin gửi về email: iwe.vietnam@gmail.com )