Ngày 27.8, tại hội thảo quy hoạch tổng thể thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trước tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, theo viện Thủy lợi và môi trường, đồng bằng "đang phải cầm cự".
Bằng chứng, mùa lũ ở ĐBSCL mấy năm qua đến chậm, đỉnh lũ rất thấp trong khi tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển diễn biến rất phức tạp.
Theo đó, ngoài các công trình cống đập ven sông Tiền, sông Hậu, viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đề xuất xây dựng năm hệ thống cống đập lớn ở các cửa sông Vàm Cỏ, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu, cửa Tiểu và cửa Đại, cửa Định An và Trần Đề. TS Nguyễn Ngọc Anh, viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cho biết, đây là đập đa năng, có thể mở để thoát lũ và đóng để ngăn mặn, giữ ngọt nên tác động xấu về môi trường không lớn. Việc xây đập ở cửa sông Vàm Cỏ cũng rất cần thiết để giữ ngọt cho cả vùng Gò Công khi nước biển dâng...
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lưu ý, năm hệ thống cống đập ở các cửa sông lớn cần được xem xét thật cẩn trọng. Bởi việc ngăn cửa sông về lâu dài có thể sẽ gây những tác động lớn về môi trường, sinh thái. Ngay những quốc gia giàu kinh nghiệm như Mỹ, Hà Lan còn phải tính chuyện phá những con đập đã xây để giải quyết vấn đề môi trường.
Ông Cao Đức Phát, bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khẳng định bảo vệ ĐBSCL trước tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng là nhiệm vụ sống còn, vấn đề nào chưa rõ, phải báo cáo Chính phủ xin tiếp tục nghiên cứu.
 
L.Quỳnh (Theo SGTT)
|