Ðề án hội nhập quốc tế về KH&CN đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt góp phần tạo cơ sở để hội nhập sâu và toàn diện hơn trong lĩnh vực KH&CN. Tuy nhiên, cơ hội và thách thức luôn song hành cùng nhau.
 
Dấu ấn hội nhập
Trong giai đoạn vừa qua, KH&CN đã đạt được những kết quả tích cực và đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ về hợp tác KH&CN với gần 70 nước, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ. Hơn 80 hiệp định hợp tác KH&CN cấp Chính phủ và cấp Bộ đã được ký kết và đang thực hiện. Việt Nam đang là thành viên của gần 100 tổ chức quốc tế và khu vực về KH&CN. Từ năm 2000 đến nay, có hơn 540 thỏa thuận, hợp đồng hợp tác quốc tế được thực hiện tại các cơ sở nghiên cứu triển khai các cấp hơn 400 nhiệm vụ nghiên cứu song phương giữa các tổ chức KH&CN Việt Nam với các tổ chức KH&CN của các nước đã và đang được thực hiện.
Việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, Bộ KH&CN đang đẩy mạnh các chương trình hợp tác nghiên cứu chung song phương và đa phương với mục tiêu giải quyết các nhiệm vụ KH&CN ở trình độ quốc tế tăng cường nguồn lực thông tin cho các nhà khoa học Việt Nam chương trình tìm kiếm bí quyết, giải mã và làm chủ công nghệ của nước ngoài nhằm nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam và qua đó nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam... Hiện nay, Bộ KH&CN đang hợp tác với Nga, Hoa Kỳ và Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ mục đích hòa bình, nhằm phục vụ cho chương trình điện hạt nhân của Việt Nam...  Hợp tác một số nước tiên tiến trong việc đề xuất thành lập các phòng thí nghiệm hỗn hợp và các trung tâm khoa học tại Việt Nam hoặc các nước.
Trong thời gian sắp tới, với những nội dung, nhiệm vụ, chương trình mà Bộ KH&CN đang xây dựng thì hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN đang tích cực được khẩn trương triển khai, trong đó đẩy mạnh việc phối hợp công tác chặt chẽ với các đại sứ và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là mạng lưới các cơ quan đại diện KH&CN của Việt Nam ở nước ngoài.
Việt Nam đã tham gia đầy đủ và tích cực vào hầu hết các hoạt động hợp tác KH&CN của khu vực, nhất là các chương trình dự án hợp tác của ASEAN. Thông qua các chương trình hợp tác với các nước ASEAN,  nhiều cán bộ KH&CN trong nước đã được tạo điều kiện tiếp xúc, trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm, góp phần khắc phục tình trạng bị cô lập và lạc hậu trước đó. Nhiều dự án được tiến hành dưới các hình thức như hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo hoặc phối hợp nghiên cứu, chuyển giao các kết quả nghiên cứu - triển khai (R&D). Ngoài ra, theo phương châm, chủ động hội nhập, chúng ta đã nhanh chóng hòa nhập với các thành viên khác của ASEAN, qua đó giúp tăng cường năng lực KH&CN cho Việt Nam. Việt Nam đang ngày càng có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp chung của khu vực như đăng cai tổ chức nhiều  hội nghị, triển lãm quy mô lớn, chủ trì hoạt động của một số tổ chức ASEAN, đề xuất và thực hiện nhiều dự án, sáng kiến hợp tác KH&CN của ASEAN.
 
Khó khăn, thách thức còn ở phía trước
Tuy nhiên, hiện nay, có thể nói trong khu vực Ðông - Nam Á, trình độ KH&CN Việt Nam đang nằm trong tốp trung bình, có thể ngang với Phi-li-pin, In-đô-nê-xi-a, thấp hơn một chút so với Ma-lai-xi-a và Thái-lan, thấp hơn chút nữa so với Xin-ga-po. Còn so với thế giới, Việt Nam vẫn ở vị trí khiêm tốn. Ðiều này ít nhiều ảnh hưởng năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng tiềm lực KH&CN cho đất nước.
Lý do chính là nguồn lực đầu tư cho khoa học còn thấp, mặc dù được Nhà nước dành 2% tổng chi ngân sách quốc gia, tương đương các nước trên thế giới. Nhưng với các nước khác, họ còn có nguồn đầu tư từ xã hội cho khoa học công nghệ rất lớn. Thêm vào đó, GDP của họ lớn nên chi ngân sách của họ cũng lớn về giá trị tuyệt đối. Nguồn lực cho khoa học công nghệ ít như vậy, nên khó đem lại sản phẩm tương xứng với nhu cầu của xã hội.
Ðể Việt Nam thực hiện tốt vai trò và nghĩa vụ của một nước thành viên ASEAN, góp phần xây dựng một Ðông - Nam Á  hòa bình, ổn định và phát triển, thời gian tới Việt Nam vẫn kiên định với phương châm chủ động hội nhập, nhanh chóng hòa nhập với các thành viên khác của ASEAN, qua đó giúp tăng cường năng lực KH&CN cho Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng ta cần phải tiếp tục tăng cường hợp tác với ASEAN về KH&CN theo phương châm chủ động hội nhập và hợp tác có hiệu quả, tiếp tục thúc đẩy các kết quả đã đạt được trong năm 2010 khi Việt Nam giữ vai trò làm chủ tịch ASEAN cũng như tăng cường các hoạt động hiệu quả và thực chất trong ASEAN COST, góp phần xây dựng cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ACSC), là một trong ba trụ cột: cộng đồng chính trị, cộng đồng kinh tế hướng tới xây dựng thành công cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Hội nhập với ASEAN sẽ thúc đẩy công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tận dụng các nguồn tài nguyên đóng góp cho sự phát triển KH&CN trong nước. Ðồng thời, đó cũng là một trong những nhân tố quan trọng để Việt Nam thực hiện tốt vai trò và nghĩa vụ của một thành viên ASEAN, góp phần xây dựng một Ðông - Nam Á  hòa bình, ổn định và phát triển.