Một số trận động đất liên tiếp xảy ra trong tháng 9 và tháng 11 vừa qua  được xác định là động đất kích thích bởi các yếu tố nhân tạo. Các chuyên gia khuyến cáo các địa phương nên sớm đề xuất để các cơ quan chuyên môn vào cuộc nghiên cứu nhằm giúp người dân chủ động phòng tránh.
 
Bản đồ tâm chấn động đất tại tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, trong tháng 9 đã xảy ra 3 trận động đất tại Hạ Long (Quảng Ninh), Sơn La, Điện Biên. Từ đầu tháng 11 đến nay, 4 trận động đất xảy ra ở Cao Bằng, Thanh Hóa, Quảng Nam và khu vực ngoài khơi vịnh Bắc bộ.
Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Lê Huy Minh lý giải về các trận động đất là do trên khu Tây Bắc có các đứt gãy Điện Biên &ndash Lai Châu, đứt gãy Sơn La, đứt gãy Sông Mã, các đứt gãy này hoạt động mạnh và phức tạp. Việc có động đất với cường độ nhỏ 3 &ndash 4 độ Richter xảy ra trên các đứt gãy là hết sức bình thường, do hoạt động kiến tạo của vỏ trái đất, không có gì đáng lo ngại.
Theo Đề án “Tăng cường mạng lưới trạm quan sát động đất phục vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Việt Nam 2009 &ndash 2013” được Viện Vật lý địa cầu trình Bộ Khoa học và Công nghệ, đến năm 2013 &ndash 2014 sẽ có 30 trạm địa chấn phân bố khắp cả nước, 8 trạm đặt cả máy ghi địa chấn và GPS liên tục. |
Gần đây nhất, rạng sáng 17/11, tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra trận động đất 2,7 độ Richter với chấn tiêu ở mức 3km. Do chấn tiêu quá nông nên đã phát ra tiếng nổ lớn.
Sau khi xem xét các yếu tố, Viện Vật lý địa cầu xác định đây là một trận động đất kích thích. Những trận động đất kích thích xảy ra khi có những yếu tố nhân tạo tác động vào lớp vỏ trái đất. Những trận động đất này thường có chấn tiêu khá nông. Trong trận động đất tại Quảng Nam, những yếu tố nhân tạo có thể là do có đứt gãy nhỏ ở hồ chứa nước công trình thủy điện Sông Tranh 2, nước ở hồ thấm vào đới đứt gãy này, gây ra động đất kích thích.
Các nhà khoa học khẳng định, động đất kích thích không thể có cấp độ lớn hơn động đất tự nhiên được dự báo tại khu vực đó.
Hơn nữa, khi thiết kế xây dựng các công trình thủy điện, đặc biệt là các công trình lớn, các đơn vị thiết kế đã tính toán một mức độ kháng chấn, để công trình có thể chịu được những trận động đất ở cấp độ cực đại ảnh hưởng đến khu vực đó.
Tuy khẳng định động đất kích thích không đáng lo ngại nhưng các nhà khoa học cũng khuyến cáo các địa phương nên mời chuyên gia nghiên cứu, theo dõi.
 
Theo Chinhphu.vn
|