Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập:
Số người đang online:  59
Hiện đại hóa thủy lợi phục vụ xây dựng nông thôn mới
Cập nhật lúc : 6/28/2012 10:45:47 AM
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn. Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi là cơ sở cho một nền nông nghiệp bền vững góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới và CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn. Hệ thống thủy lợi ở đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) được xây dựng từ khá lâu với mục đích là tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trước yêu cầu phát triển nông thôn mới hệ thống thủy lợi đòi hỏi đáp ứng các mục tiêu đa dạng hơn, linh hoạt hơn. Các giải pháp hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phải được thực hiện từ quy hoạch, nâng cấp đến quản lý vận hành công trình.
 I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn là nhiệm vụ hàng đầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này đã có được những thành tựu đáng kể như: Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa có nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao Trình độ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản từng bước được nâng cao Quan hệ sản xuất được xây dựng ngày càng phù hợp với phát triển Cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư, nhiều công trình thủy lợi được xây mới và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các vấn đề cần tiếp tục phải giải quyết đó là: (i) Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, nên kém hiệu quả và chưa bền vững (ii) Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Hệ thống thủy lợi (HTTL) một số nơi còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất và dân sinh, nhất là trong điều kiện hạn hán, lũ lụt và biến đổi khí hậu. Nhiều công trình đầu tư không đồng bộ, quản lý kém, xuống cấp nhanh, phát huy hiệu quả kém (iii) Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng gia tăng (iv) Việc phát triển các khu công nghiệp, các làng nghề và khu đô thị... đã tạo sức ép rất lớn về cấp nước, tiêu thoát nước, môi trường nước, phá vỡ nhiệm vụ thiết kế ban đầu của các hệ thống công trình thủy lợi.
Nghị quyết số 26 - NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2008 tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã chỉ rõ: “Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Phải luôn luôn coi trọng đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và tạo điều kiện từng bước hình thành nền nông nghiệp sạch phấn đấu giá trị tăng thêm trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3÷3,2%/năm”.
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn. Ngày 16 tháng 04 năm 2009 Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, trong đó có 4 tiêu chí liên quan trực tiếp đến nâng cấp và hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi, 5 tiêu chí liên quan trực tiếp đến hiệu quả của hệ thống thuỷ lợi, trong đó quy hoạch và thực hiện quy hoạch là tiêu chí đầu tiên.
         Chiến lược phát triển thuỷ lợi đến năm 2020 đã nêu rõ quan điểm phát triển thuỷ lợi là: “Phục vụ đa mục tiêu: coi trọng phát triển thuỷ lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất lâm nghiệp, đa dạng hoá cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực trước sức ép gia tăng dân số, biến động bất lợi của thời tiết và bất ổn định của thế giới, đồng thời phải giải quyết nguồn nước cho sinh hoạt, công nghiệp, thuỷ sản, dịch vụ du lịch, duy trì và cải thiện môi trường sinh thái, khai thác thuỷ năng”.
          Như vậy thực hiện nâng cấp hiện đại hoá HTTL là cơ sở cho một nền nông nghiệp bền vững cũng là nhằm xây dựng nông thôn mới và CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn. Những nội dung trên có quan hệ mật thiết với nhau đòi hỏi có sự kết hợp khăng khít trong quá trình thực hiện.
 II.HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG THỦY LỢI VÙNG ĐBSH VỚI TIÊU CHÍ NÔNG THÔN MỚI
2.1.Tiêu chí nông thôn mới liên quan đến phát triển hệ thống thủy lợi:
Theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, các chỉ tiêu liên quan đến phát triển HTTL như sau:
TT Tên tiêu chí Nội dung tiêu chí Chỉ tiêu chung Chỉ tiêu vùng ĐBSH
1 Quy hoạch và thực hiện quy hoạch Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Đạt Đạt
Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới. Đạt Đạt
2 Giao thông Tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. 65% 100%
3 Thủy lợi HTTL cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Đạt Đạt
Tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa. 65% 85%
 Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn “Hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới” đã nêu rõ:
- Tiêu chí “HTTL cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh”  đối với công trình tưới tiêu được hiểu là (i) Đáp ứng yêu cầu tưới tiêu chủ động cho diện tích gieo trồng lúa, diện tích rau màu, cây công nghiệp và nuôi trồng thủy sản hoặc làm muối, cấp nước sinh hoạt, thoát nước theo quy hoạch được duyệt (ii) Các công trình thủy lợi đảm bảo tưới, tiêu, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh phát huy đạt trên 75% năng lực thiết kế, (iii) Các công trình có chủ quản lý đích thực  đạt 100% Có sự tham gia của người dân trong quản lý, vận hành và khai thác công trình thủy lợi. Công trình được duy tu, sửa chữa thường xuyên hàng năm, chống xuống cấp, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả không để xảy ra ô nhiễm nguồn nước.
- Tiêu chí “Tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa”: Kênh mương do xã quản lý là phần kênh mương thuộc phạm vi xã, do các tổ chức hợp tác dùng nước của người dân quản lý, khai thác vận hành và duy tu sửa chữa hàng năm. Không áp dụng cho hệ thống kênh tiêu, tưới tiêu kết hợp, hệ thống tưới bằng kênh chìm do ảnh hưởng của thủy triều.
2.2. Đánh giá hiện trạng hệ thống thủy lợi vùng ĐBSH theo tiêu chí nông thôn mới:
(1)   Thiếu sự gắn kết giữa quy hoạch HTTL với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông thôn:
Quy hoạch HTTL liên quan trực tiếp với quy hoạch giao thông, quy hoạch cấp, thoát nước, quy hoạch cấp điện và tạo cảnh quan môi trường. Thực tế, công tác quy hoạch hiện nay như sau:
- Quy hoạch HTTL chủ yếu đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa theo kịp quy hoạch phát triển kinh tế xã hội
- Quy hoạch hạ tầng kinh tế kỹ thuật chưa coi HTTL là một hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, do đó thiếu sự đồng bộ. Nước thải các khu công nghiệp, làng nghề, dân cư gây ô nhiễm nguồn nước tưới trong các HTTL. Phát triển đường giao thông, quy hoạch các dân cư mới chia cắt hệ thống kênh mương... Điều đó dẫn đến các công trình thủy lợi xuống cấp nhanh, hiệu quả khai thác kém.
(2)   Hệ thống thủy lợi nội đồng xuống cấp:
- Đầu tư không đồng bộ: Trong thời gian qua do nguồn kinh phí xây dựng, cải tạo các HTTL còn hạn chế nên ngân sách nhà nước mới chú trọng đầu tư cho các công trình đầu mối mà chưa quan tâm đúng mức đến HTTL nội đồng. Hầu hết các dự án xây mới hoặc nâng cấp công trình thủy lợi, phần vốn xây dựng, cải tạo thủy lợi nội đồng là vốn đối ứng của địa phương nên thường bị đầu tư nhỏ giọt, không đồng bộ hoặc không được thực hiện, dẫn đến hiệu quả của các công trình đã được cải tạo nâng cấp không như mong muốn [1].
- Điều tiết nước mặt ruộng tràn lan: Theo quy hoạch trước đây, ở mỗi lô ruộng phía đầu ruộng cao bố trí một kênh tưới, phía thấp bố trí một kênh tiêu. Hệ thống kênh tưới và tiêu mặt ruộng riêng biệt. Giữa hai kênh tưới và tiêu là đường giao thông nội đồng. Cứ 3-4 thửa ruộng thì chung một bờ vùng. Các bờ vùng cách nhau khoảng 100m. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết hệ thống thủy lợi nội đồng (chủ yếu là các hệ thống chưa được kiên cố hóa) đã không được điều tiết nước mặt ruộng theo như quy hoạch ban đầu, các kênh tưới và tiêu trở thành “tưới tiêu kết hợp” gây tổn thất nước trên kênh rất lớn.
- Chưa đáp ứng được yêu cầu quy hoạch đồng ruộng sau “dồn điền đổi thửa”: Từ khi có nghị quyết 03/NQ-CP ngày 02/02/2000 về phát triển kinh tế trang trại, các địa phương ở ĐBSH đã tích cực triển khai dồn điền đổi thửa, từ chỗ bình quân mỗi hộ có từ 6 đến 8 thửa đất với khoảng 0,3 - 0,5 ha/hộ, trong đó đất lúa từ 200-400 m2/thửa, đất rau và các loại cây màu khác thường dưới 100m2/thửa. Sau khi dồn điền đổi thửa đợt 1, số thửa đất bình quân giảm 50%, có nơi giảm tới 80%. Diện tích mỗi thửa tăng bình quân gấp 3 lần. Kết quả dồn điền đổi thửa đã tạo điều kiện cho người nông dân cải tạo đồng ruộng, thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng cũng đòi hỏi HTTL nội đồng phải được quy hoạch cải tạo lại cho phù hợp với cấu trúc đồng ruộng mới. Hiện nay ở một số địa phương sau khi dồn điền đổi thửa đã quy hoạch lại bờ vùng bờ thửa, nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng nhưng cũng còn các địa phương chưa làm được điều này dẫn đến kênh nội đồng chỗ thừa, chỗ thiếu không đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất.
- Chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Kênh mương nội đồng trước kia được quy hoạch thiết kế phục vụ trồng lúa là chính. Nay do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nơi chuyển sang chuyên màu, hoa cây cảnh, lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản... HTTL nội đồng đã trở nên bất cập. Thực tế những nơi có diện tích chuyển đổi lớn hơn 10 ha hầu hết đã được quy hoạch lại đồng ruộng, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng nhưng chưa quy hoạch lại nguồn nước, các kênh mương dẫn nước tới cống đầu kênh. Trong khi đó thời điểm yêu cầu cấp nước của các mô hình chuyển đổi rất khác so với mô hình độc canh cây lúa. Ví dụ thời điểm yêu cầu cấp nước nuôi thả cá cho mô hình lúa - cá vịt trùng với thời kỳ phơi ải ruộng lúa, thời kỳ yêu cầu cấp nước cho rau màu trùng với thời kỳ nạo vét tu bổ kênh mương nội đồng... Điều này dẫn đến nhiều khu vực chuyển đổi hết sức khó khăn về nguồn nước. Nhiều hộ gia đình phải dùng máy bơm dầu thậm chí phải bơm nước từ kênh tiêu không đảm bảo chất lượng hoặc khoan giếng nước ngầm để lấy nước sản xuất nông nghiệp (khu ruộng trũng xã Mỹ Thành, Thị trấn Đại Nghĩa huyện Mỹ Đức - Hà Nội). Tôn cao ruộng để tránh úng ngập cục bộ. Đào hố dẫn nước từ kênh cấp 2 để trữ nước tưới (khu trồng hoa xã Tây Tựu - Đông Anh - Hà Nội)...
- Hệ thống kênh mương bị chia cắt do chuyển đổi mục đích sử dụng đất: Rất nhiều địa phương hệ thống kênh mương nội đồng bị chia cắt do quy hoạch chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị, công nghiệp chưa được quy hoạch lại gây khó khăn cho việc điều tiết nước mặt ruộng.
- Mức độ kiên cố hóa kênh mương nội đồng chưa cao và còn chênh lệch nhiều giữa các địa phương trong vùng: Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau chương trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng đã được hầu hết các địa phương ở vùng ĐBSH thực hiện từ năm 2000 trở lại đây. Tuy vậy đến nay tỷ lệ kênh mương nội đồng được kiên cố hóa không cao, không đồng đều giữa các địa phương trong vùng. Theo kết quả điều tra của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường năm 2011, Hà nội là địa phương có mức độ kiên cố hóa kênh mương nội đồng cao, đặc biệt 5 huyện ngoại thành Hà Nội cũ với 33% kênh mương loại III đã được kiên cố hóa. Một số hệ thống như hệ thống thủy nông Đan Hoài có mức độ kiên cố hóa kênh mương nội đồng lên tới 40% (trong đó kênh mặt ruộng vùng Đan Phượng đã kiên cố hóa được 90%, vùng Hoài Đức đã kiên cố được 30%). Huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định hệ thống kênh mương loại III được kiên cố hóa 25% Trong khi đó Thái Bình là vùng đất lúa nhưng mức độ kiên cố hóa kênh mương nội đồng mới đạt khoảng 7-10%.
- Vẫn còn diện tích cuối kênh phải bơm tát vào ruộng: Mặc dù tỷ lệ diện tích tưới tự chảy vào ruộng ở ĐBSH là tương đối cao nhưng vẫn còn khoảng 15-30% diện tích canh tác còn phải bơm tát do tổn thất nước trên hệ thống kênh mương nội đồng lớn, đầu kênh tràn, cuối kênh thiếu nước hoặc do cao trình đáy kênh thấp...
- Cống lấy nước đầu kênh tạm bợ gây tổn thất nước, khó khống chế đầu nước tưới tự chảy.
- Kênh mương xuống cấp do kinh phí duy tu bảo dưỡng hạn chế: Theo sự phân cấp quản lý khai thác các công trình thủy lợi, hệ thống thủy lợi  nội đồng do các tổ chức hợp tác dùng nước chịu trách nhiệm quản lý. Chi phí quản lý, vận hành, tu sửa và bảo vệ do người hưởng lợi đóng góp. Mức thu phí dịch vụ thủy nông nội đồng do hội đồng xã viên biểu quyết nên thực tế rất thấp so với nhu cầu, bình quân từ 2-3 kg thóc/sào/vụ. Kinh phí này chỉ đủ cho việc duy tu bảo dưỡng  20%-30% kênh nội đồng, số còn lại không được tu sửa hàng năm. Do vậy hầu hết các tuyến kênh đất đều ở trong tình trạng xuống cấp, bồi lắng, sụt sạt, khả năng dẫn nước kém, tổn thất nước trên kênh lớn.
- Giao thông nội đồng:
Đường bờ vùng được kết hợp là đường trục chính nội đồng, khoảng cách giữa các bờ vùng tùy vào quy mô ruộng đất của các địa phương nhưng phổ biến từ 300-500 m có một bờ vùng. Chiều rộng bờ vùng khoảng 1-3 m. Hầu hết các đường bờ vùng là đường đất, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa.
Đường bờ thửa hẹp, bề rộng phổ biến từ 40 - 80 cm, chủ yếu cho người dân đi lại để sản xuất.
Theo kết quả đánh giá hiện trạng hệ thống thủy lợi phục vụ xây dựng nông thôn mới của các địa phương, chỉ tiêu “Tỷ lệ kênh mương nội đồng được kiến cố hóa” và “Tỷ lệ đường trục chính nội đồng đã được cứng hóa” hầu hết chưa đạt tiêu chí nông thôn mới.           
 
         Tiêu chí
 
 
 
Địa phương
Tiêu chí quy hoạch Tiêu chí đường giao thông Tiêu chí thủy lợi
Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển SX NN HH, CN_TTCN Quy hoạch phát triển HT KT_XH môi trường theo chuẩn mới Tỷ lệ đường trục chính nội đồng đã được cứng hóa Tỷ lệ kênh mương do HTX quản lý được kiên cố hóa
Khoái Châu - Hưng Yên 5/25 * 4/25 1/25 5/25
Ý Yên - Nam Định 32/32 32/32 1/32 0/32
Thái Thụy - Thái Bình 17/48 15/48 0/48 2/48
                                                                                 Ghi chú: * số xã đạt chuẩn trên tổng số xã
                                                                                                                                                                                Nguồn: UBND các huyện Khoái Châu, Ý Yên, Thái Thụy, 2011
(3)   Tổ chức quản lý thủy nông ở cơ sở:
Theo thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT công trình thủy lợi kể từ sau cống đầu kênh thuộc trách nhiệm quản lý của người hưởng lợi.
Vùng ĐBSH, về cơ bản các công trình thủy lợi nhỏ và hệ thống thủy nông nội đồng trong phạm vi một xã do các hợp tác xã nông nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, trừ một số địa phương như Hải Dương, Vĩnh Phúc do Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi quản lý [2].
III.  MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN HIỆN ĐẠI HÓA HỆ THỐNG THỦY LỢI PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN MỚI
Nông thôn mới là một bức tranh phát triển toàn diện về hạ tầng cơ sở, kinh tế và tổ chức sản xuất, văn hoá, chính trị&hellip đòi hỏi HTTL cần đáp ứng các mục tiêu mới, đa dạng hơn, linh hoạt hơn. Đó là (i) Đảm bảo tính thống nhất giữa quy hoạch HTTL với quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế -xã hội vùng nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới (ii) Đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Cấp nước phục vụ công nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ và cải thiện môi trường sinh thái (iii) Đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, cơ giới hóa nông nghiệp (iv)Nâng cao hiệu quả cấp và sử dụng nước trong nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá và (v)Tăng cường năng lực thích ứng, giảm thiểu các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu.
Để đạt được mục tiêu trên, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi cần thực hiện các giải pháp chính như sau:       
-          Gắn kết quy hoạch HTTL với quy hoạch các trục giao thông liên xã, liên thôn, hệ thống tiêu thoát nước thải dân cư, làng nghề, hệ thống giao thông nội đồng và quy hoạch cảnh quan môi trường dọc hệ thống kênh chính.
-          Dồn điền đổi thửa quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch HTTL nội đồng đáp ứng yêu cầu tưới tiêu chủ động, sản xuất nông nghiệp hàng hóa và cơ giới hóa nông nghiệp.
-          Nâng cấp tiêu chuẩn thiết kế hệ thống tưới tiêu đủ năng lực cấp nước và tiêu thoát nước theo yêu cầu phục vụ các ngành kinh tế và dân sinh.
-          Áp dụng các công nghệ tưới hiện đại, tiết kiệm nước cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như cây ăn quả, rau màu.
-          Kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Hoàn chỉnh công trình điều tiết nước mặt ruộng.
-         Áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong thiết kế, thi công xây dựng công trình thuỷ lợi theo hướng hiện đại hoá đáp ứng kịp thời, phù hợp, linh hoạt nhu cầu tưới tiêu phục vụ yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp-nông thôn.
-          Hiện đại hoá công tác vận hành, điều tiết nước đối với các công trình thuỷ lợi. Hệ thống công trình thủy lợi cần phải có hệ thống giám sát, định hướng các thông số kỹ thuật, vận hành. Xây dựng hệ thống kiểm soát và điều tiết nước, đảm bảo chi phí quản lý vận hành thấp, vận hành dễ dàng, linh hoạt trong việc bảo trì.
-          Thực hiện đổi mới chính sách và thể chế quản lý theo hướng từng bước tiến tới xã hội hóa và dân chủ hóa trong việc quy hoạch, đầu tư cũng như cung cấp dịch vụ tưới tốt hơn và có sự tham gia càng nhiều hơn của nông dân.
-          Các công trình thuỷ lợi có chủ quản lý đích thực Có sự tham gia của người dân trong quản lý, vận hành và khai thác công trình thuỷ lợi.
-          Công trình được duy tu, sửa chữa thường xuyên hàng năm, chống xuống cấp, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả không để xảy ra ô nhiễm nguồn nước.
-          Xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả các công trình tưới tiêu. Tiến hành đánh giá định kỳ làm cơ sở cho việc cải tạo, nâng cấp công trình, đổi mới công tác quản lý nâng cao hiệu quả khai thác.
KẾT LUẬN:
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Phong trào xây dựng nông thôn mới đang được triển khai tích cực ở tất cả các địa phương. Để đạt được tiêu chí phát triển nông thôn bền vững, vai trò của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong đó có HTTL là hết sức quan trọng. Hiện đại hóa HTTL phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa &ndash hiện đại hóa nông thôn cần thực hiện đồng bộ từ khâu quy hoạch, cải tạo nâng cấp công trình cũng như quản lý vận hành. Trong đó sự gắn kết quy hoạch thủy lợi với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật là yêu cầu cấp thiết cần đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
 TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Nguyễn Tuấn Anh (2011) - Viện Khoa học Thủy lợi. Nghiên cứu xây dựng lộ trình về công nghiệp hóa và hiện đại hóa thủy lợi Việt Nam đến năm 2020.
2.      Trần Chí Trung (2009) - Viện Khoa học Thủy lợi. Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất chính sách phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi.
3.      Thông tin trên trang Web của Bộ Nông Nghiệp và Phát trển Nông thôn http://www. agroviet.gov.vn
 
GS-TS. Nguyễn Tuấn Anh, ThS. Nguyễn Thị Kim Dung
Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường
Về đầu trangIn trang

VIDEO

Thời tiết

Tỷ giá

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy website này thế nào?
  Giao diện đẹp, phù hợp
  Cấu trúc web chưa hợp lý
  Bình thường, cần điều chỉnh thêm
  Ý kiến khác (xin gửi về email: iwe.vietnam@gmail.com )