Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập:
Số người đang online:  73
Đưa nước vượt đồi
Cập nhật lúc : 4/25/2014 3:18:06 PM
 Xã Ea Tam (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) có điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, đất đai dường như không thể canh tác vì thiếu nước. Nhờ kinh nghiệm, tinh thần chịu khó và đoàn kết, người dân trong xã Ea Tam đã xây dựng nhiều hệ thống kênh dẫn nước về sinh hoạt và sản xuất, làm giàu trên chính vùng đất cằn cỗi này.
 
     Tìm nước ở vùng đất khát
     Xã Ea Tam có tổng diện tích tự nhiên là 8.425 ha, được thành lập vào tháng 2/1989 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính từ xã Tam Giang (huyện Krông Năng). Nằm ở tả ngạn sông Krông Năng, địa hình của xã có hướng thoải từ Bắc xuống Nam, nhiều nơi bị chia cắt mạnh, tầng đất sét và đất non khá dầy nên rất không thể canh tác vì thiếu nước tưới. Ngoài đất đai cằn cỗi, Ea Tam còn nổi tiếng với khí hậu khắc nghiệt (nằm cao hơn các vùng khác) nên khoảng 30 năm trước đây, các dự án đưa dân vào làm "kinh tế mới" tại xã đều lần lượt thất bại. Hầu hết những người dân tới đây đều không thể ở lại lập nghiệp và phải tìm đến các vùng thuận lợi hơn để sinh sống. Duy chỉ có cộng đồng người Tày, Nùng di cư từ các tỉnh phía Bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên... do có nhiều kinh nghiệm trong việc đưa nước từ trên cao về các chân ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp mới "trụ" lại được.
      Công trình thủy lợi lớn nhất của xã là hệ thống kênh mương dài hơn 7km dẫn nước từ sông Krông Năng qua hai xã Cư Klông và Dliê Ya (huyện Krông Năng) về tưới cho hàng chục ha cây trồng tại thôn Tam Lực. Ông Nguyễn Đại Hà (nguyên Chủ tịch UBND xã Ea Tam), cho biết: "Công trình thủy lợi dẫn nước về thôn Tam Lực này do người dân trong thôn tự đào đắp. Người đầu tiên có ý tưởng, tự thiết kế và thực hiện việc làm hệ thống này là ông Lý Văn Đức".
      Trò chuyện với chúng tôi, ông Lý Văn Đức kể: "Gia đình tôi di cư từ Bắc Kạn vào đây, thấy vùng đất này khô cằn quá nên cũng từng có ý định đến nơi khác để lập nghiệp. Nhưng rồi tôi nghĩ rằng cứ trốn tránh vùng đất nghèo khó không phải là cách hay nên quyết tâm ở lại và tìm kế sinh nhai. Có một lần, khi đi qua đỉnh núi Voi (thuộc xã Cư Klông), tôi phát hiện dưới bên kia là dòng sông Krông Năng đầy ắp nước nên lóe lên ý tưởng đưa nước về cho gia đình và bà con trong thôn trồng lúa. Sau đó, phải mất hơn 3 tháng ròng đi dọc bờ sông, băng qua những cánh rừng, những ngọn đồi... tôi mới định hình được một con kênh hình chữ U, đưa nước chảy ngược hơn 7km từ núi Voi về đến thôn Tam Lực".   
      Đầu năm 2002, ông Đức đã cùng với ông Hà Văn Tàng (lúc đó là Trưởng thôn Tam Lực - PV) mạnh dạn đưa ra ý tưởng và vận động bà con trong thôn chung tay thực hiện.
       Ông Hà Văn Tàng cho biết: "Ròng rã trong hai năm, chúng tôi đã vận động hàng nghìn ngày công của bà con trong thôn, đào đắp hơn 15.000 m3 đất, đá bằng những công cụ thô sơ. Lúc đó làm gì có mìn, chúng tôi phải lấy củi đốt nóng đất, đá rồi dội nước vào cho dễ thi công. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến năm 2004, chúng tôi bắt đầu ngăn sông đưa nước vượt đồi về cánh đồng của thôn. Ai cũng vui mừng khôn xiết, nhiều người bỏ hẳn ý định về quê hay di cư đến vùng đất khác để sinh sống, yên tâm ở lại lập nghiệp."
     Hồi sinh một vùng đất
    Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Krông Năng, tổng diện tích tại xã Ea Tam được hưởng nguồn nước tưới từ kênh thủy lợi này là 74,51 ha. Trong đó, diện tích được tưới vụ đông - xuân (mùa khô) là 55,61 ha (lúa 22,46 ha, cà phê 33,15 ha) và diện tích được tưới vụ hè - thu là 18,9 ha (chủ yếu là lúa).
     Anh Nông Quang Trung (trú tại thôn Tam Lực) chia sẻ: "Trước đây, các loại cây trồng của thôn này chủ yếu sử dụng nguồn nước tự nhiên, chúng tôi cũng trồng lúa nhưng chỉ được một vụ nhưng năng suất bấp bênh vì thiếu nước. Từ khi hệ thống kênh dẫn nước được kiên cố hóa, nước về ruộng, rẫy thoải mái nên chúng tôi chẳng phải lo lắng gì về nguồn nước tưới nữa." 
     Ông Nguyễn Ngọc Thuận - Chủ tịch UBND xã Ea Tam cho biết: "Công trình thủy lợi dẫn nước về thôn Tam Lực có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, công trình này đã được mở rộng, kiên cố hóa và đưa vào sử dụng trong 2 năm trở lại đây". Cũng theo ông Thuận, ngoài diện tích của xã, nhiều cùng đất của xã khác có kênh chạy qua cũng được "hưởng lợi" từ nguồn nước từ kênh dẫn.
     Thấy được những kết quả ngoài mong đợi từ việc xây dựng hệ thống kênh thủy lợi tại thôn Tam Lực, nhiều thôn khác trong xã như Tam An, Tam Hiệp, Tam Phương... đã xây dựng các kênh, mương để dẫn nước về sinh hoạt và sản xuất. Các công trình này đảm bảo nguồn nước tưới cho khoảng 200 ha lúa hai vụ trên địa bàn xã. Nhờ đó, nhân dân trong xã yên tâm lao động sản xuất, làm giàu trên chính vùng đất tưởng chừng như đã "chết".
Nguồn: http://www.monre.gov.vn/

Về đầu trangIn trang

VIDEO

Thời tiết

Tỷ giá

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy website này thế nào?
  Giao diện đẹp, phù hợp
  Cấu trúc web chưa hợp lý
  Bình thường, cần điều chỉnh thêm
  Ý kiến khác (xin gửi về email: iwe.vietnam@gmail.com )