Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập:
Số người đang online:  192
Hà Nam: Tìm ra giải pháp cải thiện chất lượng nước ngầm
Cập nhật lúc : 4/25/2014 3:18:23 PM
Là tỉnh có nguồn nước dưới đất khá dồi dào, tuy nhiên, theo các chuyên gia về tài nguyên nước, Hà Nam lại có mức độ ô nhiễm asen (As) nghiêm trọng bậc nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Song, với sự nỗ lực của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Hà Nam đã bước đầu tìm ra giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nước ngầm phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
 
As - nước đâu, có mặt đấy!
  TS. Hoàng Thị Hạnh, Chuyên gia Dự án Tăng cường năng lực bảo vệ nước ngầm Việt Nam (IGPVN) cho biết, một cuộc khảo sát ngẫu nhiên hàm lượng Asen trong nước giếng khoan (NGK) tại 12 tỉnh, thành phố ở Việt Nam cho thấy, Hà Nam là một trong những tỉnh bị nhiễm Asen nặng nhất vùng Đồng bằng sông Hồng, 52% giếng khoan được khảo sát có hàm lượng Asen vượt tiêu chuẩn quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 0.01mg/L.
 
Theo kết quả điều tra của Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường (YHLĐ & VSMT) thực hiện năm 2003 tại các xã Hòa Hậu, Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân) và Bồ Đề (huyện Bình Lục), qua khảo sát tại 1932 giếng khoan phát hiện 94 % số giếng có hàm lượng As vượt quá tiêu chuẩn đối với nước uống là 0,01 mg/L 57 % số giếng có hàm lượng As đặc biệt cao, trên 0,1 mg/L. Hàm lượng As cao nhất được phát hiện lên tới 1,5 mg/L. Xã Hòa Hậu có mức độ nhiễm As trong NGK nghiêm trọng nhất.
 
Kết quả khảo sát do Viện YHLĐ & VSMT phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Gwangju, Hàn Quốc và Viện nghiên cứu Chulabhorn, Thái Lan tiến hành năm 2011 tại huyện Kim Bảng cho thấy NGK tại 3 xã Hoàng Tây, Nhật Tân, Văn Xá bị nhiễm As rất nghiêm trọng: lần lượt 15/15, 20/20 và 10/14 mẫu NGK được xét nghiệm đều chứa hàm lượng As vượt quá tiêu chuẩn nước uống.
 
Theo Cục quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) thì As được phát hiện thấy trong NDĐ ở tất cả các huyện của Hà Nam với hàm lượng cao thấp khác nhau, và điều này sẽ gây trở ngại cho việc khoanh vùng ô nhiễm và triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.
 
Loại bỏ asen - giải pháp nào hữu hiệu?
Dự án Tăng cường năng lực bảo vệ nước ngầm (IGPVN) thực hiện khoảng 5 năm trở lại đây đã triển khai chương trình điều tra đánh giá hiện trạng ô nhiễm Asen trong NGK ở Hà Nam và hiệu quả loại bỏ Asen của bể lọc tại các hộ gia đình. Dự án IGPVN tiến hành điều tra Asen tại 09 xã thuộc 03 huyện trên địa bàn tỉnh. Sau khi hoàn thành chương trình điều tra thí điểm tại 03 xã, để tạo điều kiện cho Sở TN&MT Hà Nam được chủ động trong công việc, Dự án IGPVN đã phê duyệt kế hoạch điều tra khảo sát mức độ ô nhiễm Asen trong NGK tại 06 xã thuộc 03 huyện (Lý Nhân, Kim Bảng, Duy Tiên).
 
Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm Asen trong NGK ở Hà Nam được các chuyên gia đề xuất là sử dụng bể lọc. Bởi hầu hết các bể lọc có thể loại tới 80% hàm lượng Asen có trong NGK. Bể lọc nước thường được xây dựng đồng thời với giếng khoan, vật liệu lọc phổ biến là cát đen, cát vàng, cuội sỏi. Với mô hình này, bể lọc có thêm một lớp gạch non vốn là vật liệu rẻ tiền, sẵn có tại địa phương, nhằm gia tăng hiệu suất loại Asen. Nhờ nguồn kinh phí tài trợ từ các dự án, một số hộ gia đình đã được lắp đặt thiết bị lọc nước. Ngoài bể lọc là thiết bị phổ biến nhất để lọc bỏ Asen khỏi nước giếng, người dân Hà Nam cũng sử dụng các thiết bị lọc nước khác như cột lọc hấp thụ - trao đổi ion, máy lọc nước bằng màng lọc. Kết quả xét nghiệm NGK sau lọc cho thấy hàm lượng As đã giảm đáng kể so với trong NGK trước lọc.
 
Cùng với bể lọc nước, TS. Hoàng Thị Hạnh khuyến cáo, việc xây dựng nhà máy xử lý nước và cấp nước tập trung là một định hướng đúng đắn và cần được triển khai nhanh chóng.
 
Tuy nhiên, hiện nay, các trạm cấp nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của người dân và họ vẫn có nhu cầu khoan giếng lấy nước phục vụ các nhu cầu đời sống và sản xuất. TS. Hoàng Thị Hạnh cho rằng, vấn đề quan trọng và có ý nghĩa thiết thực là phải quản lý tình hình xây dựng, khai thác, sử dụng các giếng khoan trên địa bàn tỉnh và tư vấn cho người dân về vị trí khoan giếng, chiều sâu giếng cho phù hợp để hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm As. Các giếng khoan không sử dụng cần được hướng dẫn trám lấp đúng quy định để tránh nguy cơ gây nhiễm bẩn tầng chứa nước.
 
Ngoài ra, các chương trình truyền thông tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân địa phương cũng cần được chú trọng và tiếp tục triển khai nhằm cung cấp thêm thông tin cho người dân địa phương về: hiện trạng chất lượng nguồn nước, cách theo dõi, kiểm tra chất lượng nguồn nước, khả năng giảm thiểu ô nhiễm As thông qua bể lọc hộ gia đình, cách sử dụng an toàn và hợp lý nguồn nước ngầm bị nhiễm As. “Bằng các cách này có thể đảm bảo nguồn nước ngầm mà người dân Hà Nam khai thác và sử dụng sẽ đạt tiêu chuẩn nước uống.” &ndash TS. Hoàng Thị Hạnh khẳng định.
Nguồn: http://www.monre.gov.vn/

Về đầu trangIn trang

VIDEO

Thời tiết

Tỷ giá

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy website này thế nào?
  Giao diện đẹp, phù hợp
  Cấu trúc web chưa hợp lý
  Bình thường, cần điều chỉnh thêm
  Ý kiến khác (xin gửi về email: iwe.vietnam@gmail.com )