Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập:
Số người đang online:  262996
Một số kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường 2008-2011
Cập nhật lúc : 7/19/2012 8:58:47 AM
Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường (IWE) là đơn vị có chức năng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu khoa học phục vụ dịch vụ công ích, chuyển giao công nghệ, đào tạo, hợp tác quốc tế, tư vấn đầu tư và xây dựng công trình về lĩnh vực nguồn nước, tưới tiêu, cải tạo đất, cấp thoát nước, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái trong phạm vi cả nước. Viện đồng thời đảm nhiệm chức năng Viện chuyên đề và Viện vùng miền Bắc. Viện có 6 phòng chuyên môn và 3 trung tâm nghiên cứu tại Việt Trì, Thường Tín - Hà Nội và thành phố Hải Phòng với tổng số cán bộ công nhân viên là 144  người trong đó 3 phó giáo sư, tiến sỹ, 2 tiến sỹ, 39 thạc sỹ, 72 kỹ sư, 28 cử nhân, cao đẳng. Bài viết giới thiệu một số kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đào tạo và hợp tác quốc tế mà Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đã đạt được trong 3 năm qua.
I. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ (KHCN) GIAI ĐOẠN 2008-2011
Sau 3 năm hoạt động, từ năm 2008-2011 Viện đã và đang chủ trì thực hiện 36 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp với tổng kinh phí trên 53 tỷ đồng, trong đó 6 đề tài nghiên cứu  cấp nhà nước, 19 đề tài nghiên cứu cấp Bộ, 13 nhiệm vụ cơ sở thuộc các lĩnh vực (i) Tưới tiêu cải tạo đất và cấp thoát nước (ii) Tài nguyên nước và biến đổi khí hậu và (iii) Môi trường. Các đề tài kết thúc đã được cơ quan quản lý nghiệm thu và đạt kết quả loại khá trở lên, một số đề tài được ứng dụng vào thực tế, được các Bộ, ngành, địa phương đánh giá cao.
  1.  Lĩnh vực tưới tiêu cải tạo đất và cấp thoát nước
      Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường là đơn vị có bề dày trong nghiên cứu khoa khoa hoc công nghệ lĩnh vực tưới tiêu, cải tạo đất, cấp thoát nước. Những năm trước đây, Viện thực hiện rất nhiều các đề tài nghiên cứu cơ bản và đạt được nhiều thành tích, giải thưởng nghiên cứu khoa học, là nơi đào tạo những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này. Đây cũng là thế mạnh nghiên cứu đặc trưng của Viện. Kế thừa những truyền thống đó, trong 3 năm qua, Viện đã đạt được một số thành tựu chính về tưới tiêu, cải tạo đất và cấp thoát nước như: 
-         Nghiên cứu, đề xuất và áp dụng vào thực tế chế độ tưới cho các loại cây trồng: lúa, chè, cafe, rau màu, cây ăn quả
-         Triển khai có hiệu quả công nghệ, thiết bị tưới tiết kiệm nước: tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt Công nghệ thu trữ nước phục vụ canh tác trên vùng đất dốc và vùng khan hiếm nước Giải pháp bảo vệ đất và nước Giải pháp quản lý, điều hành hệ thống thuỷ nông Mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, nước sạch VSMT, đê điều  &hellip
Viện có 3 trung tâm nghiên cứu tại Phú Thọ, Hà Nội và Hải Phòng, đại diện cho 3 vùng miền núi, đồng bằng và ven biển. Đây là nơi nghiên cứu thực nghiệm về lĩnh vực tưới tiêu, cải tạo đất như nghiên cứu chế độ tưới, kỹ thuật tưới cho lúa, cây rau màu, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Tại Trung tâm Nghiên cứu Thủy lợi Miền núi phía Bắc tại Việt trì, Phú Thọ, Viện đã nghiên cứu chế độ tưới, kỹ thuật tưới cho một số loại cây trồng vùng đồi núi phía Bắc, kết quả nghiên cứu thí nghiệm do ThS. Trần Hùng và các đồng nghiệp cho thấy: Với cây đậu tương vụ Xuân vùng đất đồi được tưới sẽ tăng năng suất lên đến 37% so với không tưới, Cây lạc vụ Xuân, tưới có thể tăng năng suất lên 43% , hiệu quả kinh tế tăng lên 92% so với không tưới. Với cây chè, đã nghiên cứu, đánh giá được ảnh hưởng của các công thức tưới khi độ ẩm đất khác đến sự phát triển của bộ rễ và năng suất trong giai đoạn sản xuất. Kết quả thí nghiệm cho thấy năng suất của cây chè ở các công thức có tưới cao hơn, chiều dài bộ rễ thay đổi ít hơn so với ở công thức đối chứng. Tăng độ ẩm đất khi tưới làm cho năng suất chè tăng từ 2,3 đến 2,7 lần so với đối chứng và cao nhất khi độ ẩm đất đạt 80% độ ẩm tối đa đồng ruộng. Đã nghiên cứu, chế tạo được các loại thiết bị tưới phù hợp với cây chè, đạt các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương các sản phẩm nhập ngoại nhưng giá thành chỉ bằng 2/3.
Tại Trung tâm Thủy lợi Đồng bằng Bắc Bộ, Thường Tín, Hà Nội, Viện đã tiến hành nghiên cứu chế độ, kỹ thuật tưới cho các loại lúa, rau màu, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: giống lúa mới, khoai tây, cà chua, hoa&hellip đã soạn thảo và trình Bộ dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về quy trình tưới, kỹ thuật tưới cho các loại cây trồng vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Tại Trung tâm nghiên cứu Thủy lợi Môi trường Ven biển Hải đảo, Hải Phòng, Viện đã xây dựng khu thí nghiệm chế độ, kỹ thuật tưới cho các loại cây rau, màu (lạc, bắp cải,&hellip) vùng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Kết quả bước đầu đã đánh giá được ảnh hưởng của độ mặn đến cây trồng theo không gian và thời gian.
Thực hiện đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho vùng khô hạn Nam Trung Bộ” Viện đã đóng góp vào việc giải quyết tình hình khan hiếm nước vùng Nam Trung Bộ, đề xuất được chế độ tưới hợp lý và kỹ thuật tưới tưới nhỏ giọt cho cây thanh long ở Bình thuận và cây nho ở Ninh thuận. Hợp tác với Công ty Pastro &ndash Úc để chuyển giao kỹ thuật tưới nhỏ giọt và phát huy sáng kiến xây dựng hệ thống hệ thống lắng lọc tiết kiệm chi phí xây dựng, bảo đảm hệ thống vận hành an toàn. Kết quả của đề tài đã được dự thảo thành Tiêu chuẩn Việt nam và đã được Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng chuẩn bị ban hành. Để giải quyết các vấn đề về nước cho sản xuất vùng đất dốc, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước “Nghiên cứu giải pháp công nghệ thu trữ nước tại chỗ phục vụ canh tác bền vững trên đất dốc và bảo vệ đất chống xói mòn” do Viện thực hiện đã đưa ra được giải pháp công nghệ thu trữ nước tại chỗ kết hợp chống xói mòn phục vụ canh tác nông nghiệp bền vững trên đất dốc và xây dựng mô hình trình diễn tại Cao Phong, Hoà Bình và tại Bắc Bình, Bình Thuận. Đề tài cũng đã biên soạn tài liệu hướng dẫn quy hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý hệ thống thu trữ nước. Mô hình đã được các cơ quan chuyên môn, các cơ quan quản lý đánh giá cao và được địa phương áp dụng nhân rộng mô hình. Đề tài đã nhận được giải Ba, giải thưởng sáng tạo VIFOTEC năm 2008. Đề tài “ Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất lộ trình hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu vùng Đồng bằng Sông Hồng” đã xây dựng được lộ trình hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu giai đoạn 2010-2020 và kiến nghị cơ chế quản lý bền vững hệ thống tưới tiêu cho vùng Đồng bằng Sông Hồng, đã góp phần xây dựng lộ trình hiện đại hóa công trình thủy lợi, phục vụ chương trình Nông thôn mới của Chính Phủ..
Hiện nay, Viện đang chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Nghiên cứu quy trình công nghệ và thiết bị tưới phù hợp với cây mía tại các vùng nguyên liệu tập trung” với mục tiêu là xác định được chế độ và kỹ thuật tưới phù hợp cho mía giống và mía nguyên liệu, chế tạo được thiết bị tưới tiết kiệm nước bảo đảm các chỉ tiêu về kinh tế - kỹ thuật và xây dựng 3 mô hình trình diễn. Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước: “Nghiên cứu các giải pháp nâng cấp và hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi phục vụ phát triển nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng” đang thực hiện nhằm góp phần xây dựng chương trình Nông thôn mới của Chính Phủ, xác lập được cơ sở khoa học và đề xuất được các giải pháp nâng cấp và hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi phục vụ phát triển nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng. Đề xuất được mô hình hệ thống thuỷ lợi mẫu cho các tiểu vùng sinh thái thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Viện cũng đang chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2014: “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thuỷ lợi kết hợp nông nghiệp để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng” với các mục tiêu: (i) Đánh giá được nguyên nhân, mức độ hạn hán, xâm nhập mặn và các tác động tới sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng (ii) Đề xuất được các giải pháp thuỷ lợi kết hợp nông nghiệp phù hợp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng. Sau thi nghiên cứu kết quả của đề tài sẽ góp phần thiết thực giải quyết vấn đề cấp bách hiện này là nước cho sản xuất nông nghiệp- an ninh lương thực trong điều kiện hạn hán, biến đổi khí hậu.
  1. Lĩnh vực tài nguyên nước và biến đổi khí hậu
         Qua 3 năm nghiên cứu, Viện đã gặt hái được một số thành công trong lĩnh vực tài nguyên nước và biến đổi khí hậu như: đã xây dựng được phương pháp, bộ thông số đánh giá tài nguyên nước mặt Đề xuất được giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước & phát triển, khai thác bền vững tài nguyên nước lưu vực song (nghiên cứu điển hình cho lưu vực song Mã) Giải pháp phòng chống hạn hán Giải pháp thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản Giải pháp phòng chống suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước Xây dựng phương pháp đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương do tác động biến đổi khí hậu, xây dựng được bộ thông số đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trong các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn&hellip  Ngoài ra, trong những năm qua, Viện vừa nghiên cứu vừa chú trọng đào tạo cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực biến đổi khí hậu thông qua việc kết hợp nghiên cứu các cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước.
Một số nghiên cứu đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước như đề tài Nghiên cứu đề xuất nội dung và phương pháp, bộ thông số đánh giá tài nguyên nước mặt phục vụ công tác quản lý khai thác bền vững lưu vực sông” đã xây dựng được bộ thông số đánh giá, đề xuất được các nội dung và phương pháp đánh giá tài nguyên nước mặt. Nhằm tìm ra các giải pháp tổng hợp quản lý phát triển bền vững tài nguyên nước cho các lưu vực sông trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu toàn cầu hiện này, đề tài “Nghiên cứu các giải pháp tổng hợp quản lý phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông” đã đề xuất được các giải pháp tổng hợp để duy trì, điều tiết cân bằng nước giữa các mùa trong năm, từ đó áp dụng xây dựng mô hình quản lý cho lưu vực sông Mã. Bên cạnh đó đề tài cũng đã xây dựng được giải pháp quản lý, bảo vệ thảm phủ thực vật, giải pháp canh tác trên đất nông nghiệp và đất dốc, giải pháp thủy lợi và mô hình Nông- Lâm- Thủy nhằm tăng lượng sinh thủy, nâng cao chất lượng nước, điều hòa nguồn nước mặt, nạp nước ngầm theo hướng quản lý tổng hợp lưu vực sông. Đặc biệt, đề tài nghiên cứu thuộc chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KC08/06-10: “Nghiên cứu đánh giá tác động các công trình trên dòng chính và giải pháp quản lý sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước mặt lưu vực sông Hương” đã đánh giá được những tác động tích cực cũng như tiêu cực của các công trình trên dòng chính đến môi trường sinh thái và kinh tế xã hội, đề xuất được các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên nước mặt cho các ngành kinh tế, giảm thiểu các tác động tiêu cực như sạt lở, bồi lắng lòng sông, bảo vệ phát triển bền vững các hệ sinh thái và đề xuất cơ sở khoa học cho việc điều hành hệ thống liên hồ chứa ở thượng lưu bảo đảm hài hoà lợi ích cho các hộ dùng nước. 
Nhằm tìm kiếm các giải pháp tăng cường nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu nước, biển dâng, xâm nhập mặn và hạn hán ngày càng ảnh hưởng đến nguồn nước cho nông nghiệp, hai đề tài “Nghiên cứu giải pháp tăng cường nguồn nước ngọt phục vụ cấp nước vụ đông xuân ở hai huyện Hậu Lộc và Nga Sơn Thanh hoá” và “Nghiên cứu sự biến động của một số chất chủ yếu trong đất mặn dưới tác động của các lớp mặt khác nhau vùng ven biển Bắc Bộ” đã đánh giá được biến động của một số chất chủ yếu trong đất mặn theo không gian và thời gian từ đó đề xuất các biện pháp lấy nước, phục vụ sản xuất hiệu quả cho vùng đất nhiễm mặn ven biển.
Hiện nay, Viện đang triển khai thực hiện đề tài cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2014 “Nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng của dòng chảy kiệt phục vụ sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản vùng hạ du sông Cả và sông Mã” đề tài sẽ đánh giá  biến động và tác động dòng chảy kiệt ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản vùng hạ du sông Cả và sông Mã, từ đó đề xuất được các giải pháp thuỷ lợi để hạn chế các ảnh hưởng bất lợi của dòng chảy mùa kiệt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản. Đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu xác định khả năng chịu tải và dòng chảy tối thiểu của sông Vũ Gia  -  Thu Bồn” nhằm xác định khả năng chịu tải và dòng chảy tối thiểu của sông Vũ Gia- Thu Bồn để duy trì dòng sông, bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiếu cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các đối tượng sử dụng nước khi có tác động của điều tiết  hệ thống hồ chứa thượng lưu. Từ đó đề xuất được các giải pháp khoa học công nghệ sử dụng hiệu quả tài nguyên nước mặt và bảo vệ nguồn nước sông Vũ Gia -  Thu Bồn.  
Trong lĩnh vực nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Viện đã nghiên cứu tổng quan tình trạng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu trong phát triển nông nghiệp trong nước và trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên nước phục vụ cho nông nghiệp. Thông qua Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu lần thứ 15 (COP15) tại Copenhagen, Đan Mạch xác định các mục tiêu, định hướng, chiến lược, các thỏa thuận, quyết định liên quan đến biến đổi khí hậu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đề xuất các kế hoạch hành động trong lĩnh vực Tài nguyên nước, Thủy sản, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Môi trường. Đặc biệt, đề tài nghiên cứu KHCN cấp Bộ: “Nghiên cứu xây dựng phương pháp đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương, đề xuất giải pháp ứng phó trong lĩnh vực nông nghiệp do tác động của biến đổi khí hậu” đang thực hiện nghiên cứu, khi hoàn thành sẽ cung cấp cơ sở khoa học, góp phần vào xây dựng phương pháp luận trong ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Kết quả của đề tài sẽ được các Trường, Viện ứng dụng làm tiền đề cho các nghiên cứu khác có liên quan đến biến đổi khí hậu, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ được các hệ sinh thái vùng đồng bằng sông Hồng. Viện cũng đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp chống ngập phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản ven biển Hải Phòng và vùng lân cận trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng” nhằm xác định được khả năng cấp, thoát nước, chống ngập phục vụ nuôi trồng thủy sản ven biển Hải Phòng và vùng lân cận từ đó đề xuất được giải pháp quy hoạch và công nghệ thủy lợi phục vụ phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản ven biển Hải Phòng và vùng lân cận trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng.
  1. Lĩnh vực môi trường
Lĩnh vực môi trường là lĩnh vực mũi nhọn của Viện, đã gặt hái được rất nhiều thành công, nhất là trong đấu thầu và thực hiện các dự án khoa học công nghệ trong xử lý rác thải, nước thải không những trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà còn ở các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Viện có phòng phân tích môi trường đạt tiêu chuẩn ngành, phân tích được trên 50 chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, kim loại nặng trong mẫu nước, mẫu đất và trầm tích, có các cán bộ trẻ, năng động và được đào tạo chính quy, bài bản trong và ngoài nước. Viện đã làm chủ được công nghệ xử lý nước thải nông thôn, làng nghề, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, chế biến nông &ndash lâm &ndash thủy sản, tái chế giấy Thu gom xử lý rác thải nông thôn Đã xây dựng được các mô hình kinh tế sinh thái, phục hồi sinh thái vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thuỷ sản ven biển Bắc Bộ, vùng đất cát bị sa mạc hoá Nam Trung Bộ, vùng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thuỷ sản Đồng bằng sông Hồng Các dự án giám sát chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi đã góp phần quan trong trong công tác quản lý của ngành và hỗ trợ các địa phương trong đề xuất các biện pháp giảm thiểu.
Trong 3 năm qua, Viện đã giành được nhiều giải thưởng như: Năm 2010 đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị sử dụng vật liệu Nano để xử lý nước có nhiễm Asen phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn” đã được nhận giải Ba, giải thưởng sáng tạo khoa học- công nghệ Việt Nam (VIFOTEC). Tại cuộc thi E-Idea, do Hội đồng Anh và Tổ chức Bảo đảm Chất lượng Lloyd&rsquos Register Quality Assuarance (LRQA) phối hợp tổ chức, ý tưởng “Sức khỏe xanh” của ThS. Nguyễn Thi Ngọc Anh- cán bộ Viện là một trong sáu ý tưởng đoạt giải E-idea 2011. Cuộc thi sáng tạo tiết kiệm năng lượng lần 1 do Sở công thương thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ThS Nguyễn Quang Vinh - cán bộ thuộc Viện đã được nhận giải khuyến khích.
Một số đề tài, dự án nghiên cứu về Môi trường đã mang lại hiệu quả thiết thực vào việc cải thiện môi trường như: Dự án “Tổng hợp xây dựng các mô hình thu gom, xử lý rác thải cho các thị trấn, thị tứ cấp huyện, xã” đã đánh giá toàn bộ hiện trạng các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn Việt nam. Từ đó đã nghiên cứu, đề xuất các văn bản qui phạm pháp luật cần ban hành về quản lý chất thải rắn nông thôn đề xuất cơ chế duy trì và vận hành khu xử lý rác thải thị trấn và danh mục công nghệ, chế phẩm vi sinh đề nghị áp dụng trong xử lý chất thải rắn nông thôn. Dự án cũng đã xây dựng được tiêu chí hướng dẫn  qui hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn cũng như tuyên truyền, đào tạo, nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề ứng xử với rác thải sinh hoạt. Dự án: “Đánh giá thực trạng các mô hình làng kinh tế sinh thái đã có ở vùng Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc, lựa chọn phương án tối ưu và xây dựng thí điểm trên vùng nghiên cứu”, đã đánh giá được thực trạng các mô hình kinh tế sinh thái đã có ở vùng Đồng bằng và miền núi phía Bắc về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường và các vấn đề tồn tại trong việc phát triển các mô hình xây dựng các tiêu chí và các chỉ tiêu đánh giá mô hình làng kinh tế sinh thái đặc trưng cho vùng Đồng bằng và miền núi phía Bắc. Nhằm giảm thiểu chi phí, xử lý nước thải bằng các biện pháp sẵn có, dự án: “Nghiên cứu biện pháp sử dụng hệ thực vật trong xử lý nước thải, thí nghiệm lựa chọn một số loại thực vật bản địa trong xử lý nước thải nông thôn” đã đánh giá được hiệu quả xử lý của một số loài thực vật bản địa đối với nước thải nông thôn. Phân tích, lựa chọn được các loài thực vật bản địa phù hợp làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện các hệ thống xử lý nước thải chi phí thấp, hiệu quả, có tính bền vững cao và phù hợp với khu vực nông thôn Việt Nam&hellip
Hiện nay, Viện đang chủ trì thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu cơ chế chính sách quản lý chất thải góp phần bảo vệ môi trường nông thôn” và đề tài “Nghiên cứu các giải pháp huy động cộng đồng tham gia quản lý môi trường trong chăn nuôi gia súc gia cầm”, kết quả nghiên cứu sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách ban hành các cơ chế quản lý chất thải bảo vệ môi trường nông thôn hiệu quả, phù hợp và vấn đề quản lý môi trường trong chăn nuôi gia súc gia cầm cũng sẽ được giải quyết.
Viện cũng đã liên kết, phối hợp với các Viện nghiên cứu trong và ngoài viện Khoa học Thuỷ lợi Việt nam, các trường Đại học và các địa phương: Tuyên Quang, Nam Định, Nha Trang, Thái Nguyên, Yên Bái&hellip để thực hiện các đề tài, mang lại hiệu quả, phát huy được thế mạnh các nhà khoa học trong và ngoài ngành, trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu và nâng cao chất lượng các sản phẩm khoa học.
Ngoài nghiên cứu về các lĩnh vực trên, Viện còn chủ trì và tham gia thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn do Bộ giao như: Xây dựng chương trình Bảo vệ môi trường và phục hồi các hệ sinh thái điển hình Soát xét tiêu chuẩn lĩnh vực môi trường, quản lý vận hành công trình thuỷ lợi, tiêu chuẩn về thiết kế công trình thu trữ nước. Kết quả là đã rà soát, chuyển đổi và xây dựng mới được 19 tiêu chuẩn ngành thành Tiêu chuyển Việt nam đã và đang được Tổng cục tiêu chuẩn và đo lường chất lượng - Bộ Khoa học Công nghệ ban hành. Các nhiệm vụ thường xuyên về giám sát chất lượng nước tại các cửa sông, các công trình thủy lợi do Viện thực hiện cũng được Bộ, các cơ quan đánh giá cao, ứng dụng thiết thực vào công tác ra quyết định cho việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
II. KẾT QUẢ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu Khoa học, Viện cũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện chuyển giao công nghệ thông qua việc thực hiện các hợp đồng kinh tế. Trong 3 năm qua, Viện đã thực hiện trên 200 hợp đồng kinh tế các loại với tổng sản lượng trên 90 tỷ đồng. Các sản phẩm nghiên cứu đã được chuyên nghiệp hóa thành các công nghệ được ứng dụng vào sản xuất thông qua các hợp đồng chuyên giao công nghệ được thực hiện tại khắp các địa phương trên cả nước và được đánh giá cao, các sản phẩm khoa học đã được ứng dụng vào thực tế góp phần nâng cao đời sống, kinh tế của người dân như:
·        Công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng có giá trị kinh tế cao
·        Công nghệ thu trữ nước phục vụ dân sinh vùng hạn hán
·        Ứng dụng giải pháp tổng hợp nông lâm nghiệp và thủy lợi nhằm phục vụ hệ sinh thái đất cát bị sa mạc hóa vùng ven biển Nam Trung Bộ
·        Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho các  loại cây trồng trong điều kiện hạn hán
·        Ứng dụng công nghệ NEOWEB trong công trình thủy lợi
·        Công nghệ xử lý rác thải nông thôn quy mô nhỏ
·        Công nghệ xử lý nước thải
·        Công nghệ nghệ Nano xử lý nước nhiễm Asen
·        Các mô hình kinh tế sinh thái
·        Các mô hình nông dân tham gia quản lý công trình thủy lợi
Công tác đào tạo cán bộ luôn được Viện chú trọng hàng đầu, trong 3 năm vừa qua đã có 1 cán bộ của Viện bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, 19 cán bộ hoàn thành chương trình đào tạo  thạc sỹ, trong đó 7 thạc sỹ đào tạo tại nước ngoài. Hiện nay, Viện đang có 3 nghiên cứu sinh, 16 cán bộ đang học thạc sỹ. Bên cạnh đó, cán bộ của Viện liên tục tham gia các khóa đào tạo, các hội nghị, hội thảo khoa học, các chuyến thăm quan, học tập, các diễn đàn, các tổ chức chuyên ngành trong và ngoài nước để trao đổi, học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp.
Trong lĩnh vực Hợp tác quốc tế, Viện đã tiếp cận và tìm kiếm các cơ hội hợp tác quốc tế và đã đạt được những kết quả nhất định như đã thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế thông qua các hợp đồng chuyên gia, tư vấn hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tham gia các dự án hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các dự án nghiên cứu với các đối tác Đan Mạch, Séc, LB Nga, các tổ chức quốc tế (WB, ADB, IUCN) và các tổ chức phi chính phủ.
KẾT LUẬN
Trong ba năm qua, với những kết quả đạt được, Viện đã khẳng định được thương hiệu trong lĩnh vực khoa học công nghệ đối với các cơ quan quản lý, các đối tác. Nhiều đề tài nghiên cứu của Viện được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất.
Trong thời gian tới, với mục tiêu lấy chất lượng làm trọng tâm trong các hoạt động nghiên cứu, tư vấn chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực cán bộ để xây dựng thương hiệu cho Viện trên thị trường khoa học cộng nghệ xây dựng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường thành một tổ chức khoa học công nghệ có uy tín về tài nguyên nước, tưới tiêu, cấp thoát nước, môi trường, biến đổi khí hậu tại Việt Nam hoàn toàn tự chủ về tài chính có năng lực hội nhập khu vực và quốc tế. Viện sẽ tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể như sau:
-       Tưới tiêu cải tạo đất, cấp thoát nước: giải quyết được các vấn đề hiện đại hoá, đa dạng hoá mục tiêu các công trình thuỷ lợi, cấp thoát nước nông thôn.
-       Tài nguyên nước và biến đổi khí hậu: Giải quyết được những vấn đề của quốc gia và của ngành về tài nguyên nước và biến đổi khí hậu đưa các hoạt động về quản lý tài nguyên nước và biến đổi khí hậu trở thành một thế mạnh của Viện để đáp ứng với nhu cầu trong nước và những vấn đề có tính toàn cầu.
-       Môi trường: Giải quyết được các vấn đề môi trường nông thôn, tiến tới giải quyết các vấn đề môi trường đô thị và công nghiệp.
Viện đã và đang triển khai thực hiện các đề án sản xuất, kinh doanh, thương mại hóa các sản phẩm, các công nghệ để tìm kiếm nguồn vốn thực hiện và phát triển thương hiệu của Viện như: Thu trữ nước chống sa mạc hóa Công nghệ tưới hiện đại tiết kiệm nước Công nghệ  xử lý nước sinh hoạt sử dụng vật liệu nano Công nghệ xử lý rác thải, nước thải Công nghệ quản lý các hệ thống thuỷ lợi theo hướng hiện đại hoá Công nghệ NEOWEB.
                                                                                                                                                          TS. Vũ Thế Hải
Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường
Về đầu trangIn trang

VIDEO

Thời tiết

Tỷ giá

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy website này thế nào?
  Giao diện đẹp, phù hợp
  Cấu trúc web chưa hợp lý
  Bình thường, cần điều chỉnh thêm
  Ý kiến khác (xin gửi về email: iwe.vietnam@gmail.com )