Chưa bao giờ tài nguyên nước Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn như hiện nay. Đó là nguồn nước có hạn nguy cơ suy thoái và cạn kiệt nguồn nước có chiều hướng gia tăng do tăng trưởng kinh tế nhanh, nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao trong khi nguồn nước có hạn và hiệu quả sử dụng còn thấp. Công tác quy hoạch và khai thác nguồn nước chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đang gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng. Cùng với đó là lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, nước biển dâng, các tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu. Đây chính là những nguyên nhân gây ra khủng hoảng về tài nguyên nước, đã và đang là nguy cơ tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam.
* Nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm 
Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Nước là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người trên trái đất. Việc đáp ứng nhu cầu về nước đảm bảo cả về chất lượng và số lượng là một điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước. Trong đó, Chính phủ yêu cầu phải ứng dụng công nghệ thiết bị sử dụng nước tiên tiến hiện đại, đổi mới công nghệ trong việc tiết kiệm, sử dụng nước khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp tục nghiên cứu đưa công nghệ mới tiết kiệm nước chưa được sản xuất trong nước vào ứng dụng tại Việt Nam đồng thời ưu tiên đầu tư các nguồn lực tài chính cho hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả theo hướng bền vững. 
 
|
Người dân trồng rau màu trên đất lúa giúp giảm đáng kể lượng nước tưới.  |
Việt Nam có đến 108 lưu vực sông với 3.450 sông suối tương đối lớn, tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830 tỷ mét khối, trong đó chỉ có 300 tỷ nằm trong lãnh thổ (chiếm 40%), còn trên 500 tỷ là nước nằm ngoài lãnh thổ. Nước dưới đất cho dù có tiềm năng ước khoảng 67 tỷ mét khối/năm, so với thế giới nằm ở mức trung bình chỉ tập trung ở một số khu vực như Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Lượng mưa trung bình mỗi năm 1.960 mm cũng không phải là lớn. Do đó, Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA) xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia thiếu nước với ngưỡng dưới 4.000 mét khối/năm, bởi lượng nước mặt bình quân đầu người của nước ta năm 2015 chỉ có 3.850 mét khối. 
|
 Xây dựng kênh mương dẫn nước phục vụ tưới tiêu,
tránh thất thoát nguồn nước.  |
Trong khi đó, sức ép về dân số và chất lượng cuộc sống tiếp tục gia tăng trong một vài thập kỷ tới. Dự báo năm 2020 dân số Việt Nam tăng lên khoảng 98 triệu người và sẽ ổn định ở mức 120 triệu người trong vòng 2 - 3 thập kỷ sau nữa. Sự gia tăng dân số và yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống sẽ cần nhiều nước hơn cho phát triển sản xuất và dân sinh là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển và quản lý tài nguyên nước quốc gia. 
|
 Công trình hồ chứa nước Lanh Ra
được xây dựng để tích nước phục vụ tưới tiêu. |
Báo cáo Đánh giá Môi trường Quốc gia 2015 nêu rõ: “Đối với các lưu vực sông, ô nhiễm chất hữu cơ đã và đang xảy ra ở nhiều đoạn sông, tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu. Có nơi, ô nhiễm đã ở mức nghiêm trọng, điển hình như vấn đề ô nhiễm môi trường nước tại khu vực hạ lưu các sông và hệ thống hồ ao, kênh mương và các sông nhỏ trong khu vực nội thành, nội thị. Do các nguồn thải đổ vào lưu vực sông hầu như chưa được kiểm soát làm cho vấn đề ô nhiễm nước mặt đang ngày càng trở nên nghiêm trọng”. Nhìn chung, các đoạn sông chảy qua các khu đô thị, khu vực tập trung các hoạt động sản xuất công nghiệp, khai khoáng, sau khi tiếp nhận các nguồn nước thải chưa qua xử lý của các đô thị và của các cơ sở sản xuất thì chất lượng nước thường giảm sút đáng kể. 
|
Đập dâng Tân Mỹ được đầu tư xây dựng để tích nước phục vụ tưới tiêu. |
Theo kết quả quan trắc các hệ thống sông chính trên cả nước, nhiều chất ô nhiễm trong nước có nồng độ vượt quá quy chuẩn cho phép, dao động từ 1,5 đến 3 lần. Tình trạng ô nhiễm này đã kéo dài trong nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của dân cư và làm mất mỹ quan các khu vực.” Sự phát triển mạnh mẽ các công trình thủy điện lớn vừa, nhỏ đơn mục tiêu (phát điện) trên hầu khắp các sông suối, trừ sông Mêkông thuộc Việt Nam - Đồng bằng sông Cửu Long đang gây nên việc sử dụng tài nguyên không hợp lý, tạo mâu thuẫn thậm chí xung đột giữa các ngành, người dân, đặc biệt là giữa thủy điện và môi trường, thủy điện và nông nghiệp.Việc xây dựng thủy điện gây nên thay đổi lớn môi trường, sinh thái của hầu hết các hệ thống sông lớn ở Việt Nam, để lại những tác động lâu dài chưa lường hết. 
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển: Không những ở Việt Nam mà nguồn nước sạch toàn cầu đang cạn kiệt một cách đáng lo ngại do sự bùng nổ dân số, tình trạng ô nhiễm môi trường cùng với nhiệt độ trái đất nóng lên làm mất đi khoảng 1/3 nguồn nước sử dụng trong 20 năm tới. Hiện nay, đã có khoảng 12.000 km3 nước sạch trên thế giới bị ô nhiễm, hàng năm có hơn 2,2 triệu người chết do các căn bệnh có liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm và điều kiện vệ sinh nghèo nàn. 
|
 Tu sửa kênh mương dẫn nước
phục vụ tưới tiêu, tránh thất thoát nguồn nước. |
* Tác động của biến đối khí hậu 
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Xuân, Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng: Sự biến đổi của khí hậu toàn cầu đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước. Theo đánh giá bước đầu, vào năm 2070 với kịch bản nhiệt độ không khí tăng thêm 2,5 - 4,5 độ C, lượng dòng chảy sông ngòi cũng sẽ biến đổi tùy theo mức độ biến đổi của lượng mưa, nếu lượng mưa giảm 10% thì dòng chảy năm có thể giảm 17 - 53% đối với kịch bản nhiệt độ không khí tăng 2,5 độ C và giảm 26 - 90% với kịch bản nhiệt độ không khí tăng 4,5 độ C. Mức độ biến đổi mạnh nhất xảy ra ở Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. 
Điều này đã hiện hữu tại đây với nạn hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử, đã và đang làm thiệt hại hàng trăm ngàn ha gieo trồng lúa, ước tính 1 triệu người dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bị thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, trái đất nóng lên sẽ làm cho nước biển có thể dâng cao thêm 0,3 - 1,0 m, do đó nhiều vùng thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và ven biển Trung Bộ sẽ bị ngập chìm trong nước biển. Nếu nước biển dâng 1 m, diện tích ngập lụt là 40.000 km vuông, chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, 1.700 km vuông vùng đất ngập nước cũng bị đe dọa và 17 triệu người sẽ chịu hậu quả của lũ lụt. 
Sự cạn kiệt, ô nhiễm cũng như sự khan hiếm nguồn nước sẽ càng trầm trọng nếu không có các biện pháp quản lý tốt tài nguyên nước. Cũng vì lẽ đó, người ta cho rằng khủng hoảng nước hiện nay không chỉ do nước quá ít không đủ để thoả mãn nhu cầu của con người, mà còn do sự quản lý nguồn nước quá kém. Khan hiếm và thiếu nước là mối đe doạ rất nghiêm trọng đối với sự tồn tại của con người trong tương lai. Bởi vậy cần có các giải pháp quản lý, khai thác và bảo vệ tốt tài nguyên nước. 
Trước hết, cần phải củng cố, bổ sung mạng lưới điều tra quan trắc tài nguyên nước, bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất, cả lượng và chất, hình thành mạng lưới quan trắc điều tra tài nguyên nước thống nhất trong phạm vi cả nước, tiến hành kiểm kê đánh giá tài nguyên nước trong các lưu vực sông, các vùng và toàn lãnh thổ. Trên cơ sở kiểm kê đánh giá tài nguyên nước và cân bằng kinh tế nước mà xây dựng chiến lược, chính sách phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia nói chung và các lưu vực nói riêng cần thực hiện nghiêm chỉnh Luật Tài nguyên nước và đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Tài nguyên nước Quốc gia và Ban quản lý lưu vực các sông.
Nguồn: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
|