Mặc dù sở hữu 108 lưu vực sông, với gần 3.500 sông, suối tương đối lớn và tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830 tỉ mét khối, nhưng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, so với thế giới, lượng nước của Việt Nam chỉ ở mức dưới trung bình bởi Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước từ nước ngoài đổ vào.
Trong khi đó, nguồn tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, hiệu quả sử dụng thấp, nguồn nước ô nhiễm, lũ lụt, hạn hán, các hiện tượng xâm nhập mặn cũng như biến đổi khí hậu, nước biển dâng&hellip Theo điều tra của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), lượng nước mặt bình quân theo đầu người của Việt Nam năm 2015 chỉ có 3.850 mét khối. Như vậy, so với ngưỡng trung bình 4.000 mét khối/năm, Việt Nam thuộc vào nhóm quốc gia thiếu nước.
 
Cơn “đại hạn” kéo dài nhất trong lịch sử Việt Nam diễn ra ở khắp các tỉnh Tây Nguyên, Nam bộ vào mùa khô 2015 - 2016 vừa qua đã và đang báo động nguy cơ về thiếu hụt nguồn nước ngày càng nghiêm trọng. Là một quốc gia bị ảnh hưởng trầm trọng nhất của biến đổi khí hậu, dự báo nhiều vùng tại Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Do đó, công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước đang được các cơ quan chức năng tập trung triển khai. Nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng cùng với đó, Việt Nam phải đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước.
Tập trung quy hoạch mạng lưới quan trắc
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi), kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) triển khai, thực hiện Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia, đã đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể nhằm bảo đảm xây dựng được mạng lưới quan trắc tài nguyên nước quốc gia, bao gồm tài nguyên nước mặt và tài nguyên nước dưới đất. Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2016 - 2010 là xây dựng được mạng lưới của quan trắc tài nguyên nước mặt thống nhất, đồng bộ. Đánh giá kịp thời, đầy đủ tiềm năng, diễn biến tài nguyên nước mặt cả về số lượng, chất lượng trên các lưu vực sông chính, các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia. Quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, đặc biệt đối với các vùng kinh tế trọng điểm. Bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về tài nguyên nước phục vụ quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên nước, cảnh báo, dự báo lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Các nhiệm vụ chủ yếu được đặt ra là củng cố và từng bước hiện đại hoá các trạm quan trắc tài nguyên nước mặt hiện có duy trì hoạt động, vận hành 8 trạm hiện có, xây dựng và đưa vào vận hành 41 trạm quan trắc nguồn nước xuyên biên giới 14 trạm phục vụ quan trắc, giám sát việc vận hành liên hồ chứa. Xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và điều hành đào tạo bổ sung đội ngũ quan trắc viên, đáp ứng yêu cầu của mạng lưới quan trắc tài nguyên nước mặt. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức các trạm quan trắc tài nguyên nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật trong quan trắc tài nguyên nước đáp ứng yêu cầu kiểm kê đánh giá tài nguyên nước quốc gia đảm bảo cung cấp đầy đủ, thường xuyên, chính xác các số liệu quan trắc tài nguyên nước phục vụ quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước. Khẩn trương xây dựng trạm trung tâm thu nhận thông tin, số liệu quan trắc tài nguyên nước tạo lập, quản lý và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên nước mặt và tích hợp với cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên môi trường. Đồng thời xây dựng, hoàn thiện mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin, diễn biến số lượng, chất lượng nước dưới đất trên các lưu vực sông chính, các vùng đông dân cư, kinh tế trọng điểm phục vụ công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 là củng cố mạng lưới hiện có tiếp tục quan trắc ở các vùng đã xây dựng mạng lưới quan trắc gồm: đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam bộ và Tây Nguyên. Hoàn thiện xây dựng mạng lưới quan trắc vùng Bắc Trung bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế), vùng Đồng bằng duyên hải Nam Trung bộ (từ Quảng Nam đến Bình Thuận) bổ sung các công trình quan trắc còn thiếu vùng Nam Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng Bắc bộ (xây mới 192 điểm, 411 công trình quan trắc). Xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý và điều hành hoạt động của hệ thống trên cơ sở kế thừa và tận dụng tối đa nguồn nhân lực làm công tác quan trắc. Từ đó có kế hoạch đào tạo lại, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực để có đủ trình độ và năng lực vận hành mạng lưới. Bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác, thường xuyên và kịp thời các số liệu quan trắc phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước phục vụ ra thông báo, cảnh báo và dự báo định kỳ 3 tháng một lần về diễn biến nước dưới đất. Tăng cường năng lực truyền tin giữa các trạm quan trắc, các trung tâm xử lý và quản lý dữ liệu tài nguyên nước hoàn thiện cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên nước dưới đất, phù hợp với hệ thống thông tin quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Xây dựng, bổ sung hoàn thiện các quy trình, quy phạm, chỉ tiêu quan trắc một cách đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực tài nguyên nước.
Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước
Theo đề xuất từ các chuyên gia, hiện nay Việt Nam nên quan tâm và cần tập trung vào phát triển các công nghệ duy trì và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước ngọt hiện có và tạo nguồn nước ngọt mới từ nước biển. Theo Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng khoa học công nghệ Ngô Văn Mơ, hiện đang có hai hướng nghiên cứu chính là tạo và phát triển các công nghệ nhằm tái tạo, tái sử dụng và giảm thiểu việc sử dụng nước ngọt phát triển các công nghệ có giá thành thấp nhằm tách muối, lọc mặn nước biển thành nước ngọt. Cách thức này đã được nhiều nơi trên thế giới đã thử nghiệm, triển khai và mang lại hiệu quả. Đơn cử như thành phố Perth (Ô-xtrây-li-a), 20% tổng lượng nước cung ứng cho khu vực này là nước thải đã qua xử lý. Hay như I-xra-en đã xây dựng nhà máy khử mặn nước biển cung cấp hơn 600.000 mét khối nước sinh hoạt, đáp ứng 20% tổng nước sinh hoạt cho cả quốc gia này với chi phí 400 triệu USD.
Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu theo các hướng nghiên cứu phổ biến nêu trên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực trong việc ứng dụng những thành quả nghiên cứu như: công nghệ thủy lợi thông minh, tưới tiết kiệm nước&hellip để áp dụng trong thực tế. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ trong sản xuất nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nước. Việc chỉ đạo các hướng nghiên cứu và các chính sách hỗ trợ nghiên cứu đã được quan tâm ở tất cả các cấp, từ Chính phủ tới các Bộ, ngành. Chẳng hạn như giữa năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54 quy định ưu đãi về vay vốn, miễn, giảm thuế đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Theo đó, Nhà nước sẽ ưu tiên hỗ trợ vốn nếu đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp hạng mục công trình để thu gom, xử lý nước thải có quy mô từ 40 mét khối/ngày đêm trở lên, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước phù hợp với mục đích được tái sử dụng và sử dụng lượng nước đó cho các hoạt động của tổ chức đạt từ 80% trở lên tổ chức đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp, đầu tư chiều sâu hạng mục công trình để sử dụng nước tuần hoàn cho các hoạt động của đơn vị với quy mô từ 500 mét khối/ngày đêm trở lên&hellip
Việc ưu đãi vốn đầu tư cũng được áp dụng cho các dự án thu gom nước mưa để sử dụng cho sinh hoạt tại các địa bàn vùng núi, vùng khó khăn khử muối từ nước lợ, nước mặn thành nước ngọt để sử dụng cho mục đích sinh hoạt&hellip Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân áp dụng công nghệ, kỹ thuật, biện pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp với quy mô từ 0,5 héc-ta trở lên đối với tưới lúa nước, 1 héc-ta trở lên đối với tưới cây trồng cạn cũng được hưởng ưu đãi.
Bên cạnh ưu đãi về vốn là các ưu đãi đối với hoạt động đầu tư sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm. Chẳng hạn, doanh nghiệp được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập có được từ hoạt động đầu tư sản xuất sản phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm theo quy định của pháp luật về thuế. Với những chính sách ưu đãi cụ thể nêu trên, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, Chính phủ cần phải có thêm nhiều chính sách ưu đãi mạnh hơn nữa để khuyến khích không chỉ việc ứng dụng công nghệ, mà còn cả các hoạt động nghiên cứu theo các xu hướng chung của thế giới.
Nguồn: Cục Quản lý Tài nguyên Nước.