Tại Hội nghị chuyên đề về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tài nguyên nước vùng ĐBSCL vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đổi mới công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội đến các quy hoạch chuyên ngành khác là yếu tố quan trọng để khu vực này ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, cùng với quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế &ndash xã hội, đô thị, giao thông thì quy hoạch sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước, khai thác nước ngầm, các quy hoạch phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng cần được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Cùng với đó là giải pháp tổng thể, đồng bộ, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương và phải phát huy vai trò của từng địa phương, từng cộng đồng dân cư, đặc biệt là của người dân.
 
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục cập nhật kịch bản BĐKH chi tiết cho từng tiểu vùng trên cơ sở đó đổi mới công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục áp dụng các biện pháp ngoại giao, pháp lý, hợp tác quốc tế với các nước thượng nguồn sông Mê Kông theo tinh thần hợp tác khai thác, sử dụng hài hòa, hiệu quả, bền vững tài nguyên nước, các bên cùng có lợi, bảo đảm lợi ích quốc gia, theo đúng thông lệ quốc tế đối với dòng sông xuyên quốc gia có các giải pháp về thể chế và chính sách trong quản lý tài nguyên nước, đa dạng sinh học, sử dụng đất, khai thác nước ngầm, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, chính sách về tái cơ cấu, chính sách phát triển đô thị, công nghiệp hóa tại khu vực ĐBSCL đẩy mạnh công tác truyền thông tới các ngành, các cấp, đến tận người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, chủ động thích ứng với các thách thức trong thời gian tới chủ động nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi, quy hoạch lại sử dụng đất lúa để chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể tại mỗi tiểu vùng.
 
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT căn cứ Luật Tài nguyên nước nghiên cứu, đề xuất tổ chức quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở ĐBSCL phù hợp, khả thi, lồng ghép với Quy chế thí điểm liên kết vùng và phát triển kinh tế vùng. Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ chuyên ngành rà soát, bố trí, phân bổ các nguồn lực (kể cả nguồn vốn đầu tư phát triển tập trung, nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn vay ODA và nguồn vốn BĐKH) để bố trí cho việc thích ứng với BĐKH tại các địa phương trong vùng, đặc biệt là các công trình trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 &ndash 2020 và các dự án cấp bách khác.
 
Các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL tiếp tục nghiên cứu, cập nhật những vấn đề liên quan đến BĐKH và các thách thức đối với địa phương mình để đưa vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế &ndash xã hội của địa phương cho phù hợp, đặc biệt là khuyến khích chủ động liên kết tiểu vùng, liên kết vùng&hellip.
 
ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm, có vị trí đặc biệt quan trọng về nhiều mặt đối với cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng nhất là những tác động của: BĐKH dẫn tới nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng tăng việc phụ thuộc vào các quốc gia ở thượng nguồn trong việc quản lý khai thác tài nguyên nước&hellip
 
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh &ndash Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), ĐBSCL được đánh giá là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH. Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hạn hán, xâm nhập mặn đã xảy ra nghiêm trọng ở nước ta từ cuối năm 2014 đến nay. Cả khu vực ĐBSCL, Nam Trung bộ, Tây Nguyên bị ảnh hưởng nặng. Đơn cử, trong năm 2015 ĐBSCL không có lũ nên lượng nước trữ trong hệ thống công trình thủy lợi và các vùng thấp trũng bị thiếu hụt, kèm theo mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị giảm, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Xâm nhập mặn vào đất liền sâu nhất lên đến 90km và hiện tượng xâm nhập mặn chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn.
Nguồn: http://dwrm.gov.vn/