Để chủ động đối phó với ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất đối với sản xuất nông nghiệp và không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên tục cập nhật tình hình thiên tai, đưa ra những cảnh báo sớm và có phương án ứng phó hiệu quả với hạn mặn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên tục cập nhật tình hình thiên tai, đưa ra những cảnh báo sớm
Chủ động thích ứng bằng hệ thống thủy lợi
Chia sẻ những giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai để ứng phó với hạn, mặn tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian vừa qua, PGS. TS Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: Trước tình hình hạn mặn gay gắt như hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, nguồn nước.
Đồng thời, các địa phương vận hành hợp lý công trình thủy lợi, tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào nội đồng, hệ thống kênh. Cùng với đó, các ngành chức năng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đang được bàn giao tạm thời để vận hành trong mùa khô 2019 - 2020&hellip
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức theo dõi, giám sát, dự báo tình hình nguồn nước liên tục từ tháng 6/2019 để chủ động chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện sớm, quyết liệt các giải pháp ứng phó.
Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long về công tác phòng, chống sạt lở và sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020 ngày 27/9/2019 tại tỉnh Tiền Giang.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 22/1/2020 về việc triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị “Phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2019 - 2020” ngày 3/1/2020 tại tỉnh Bến Tre.
Bên cạnh việc kịp thời theo dõi, giám sát, dự báo tình hình biến đổi khí hậu, Bộ cũng đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý vượt kế hoạch từ 6 - 13 tháng.
Hiện tại, Bộ đã đưa 5 dự án tạm thời vào vận hành phòng, chống xâm nhập mặn từ tháng 12/2019 và tháng 1/2020, như: Cống Âu Ninh Quới (hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp) trạm bơm Xuân Hòa (tỉnh Tiền Giang) các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm (hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít), 18 cống kiểm soát mặn thuộc Dự án Bắc Bến Tre giai đoạn 1 Nạo vét kênh Mây Phốp - Ngã Hậu...
Trước mắt, các công trình này đã chủ động kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn đến 300.000ha. Trong thời gian tới, một số dự án đang được thực hiện sẽ tiếp tục bảo đảm chủ động kiểm soát xâm nhập mặn tốt hơn, như: Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Cái Lớn - Cái Bé, Tứ giác Long Xuyên...
“Hiện nay, biến đổi khí hậu đã làm thay đổi toàn bộ chức năng hệ thống thủy lợi tại các tỉnh miền Tây. Trước đây, chức năng chính của nó là ngăn mặn và thoát lũ nhưng hiện nay hầu như không còn lũ vì đã được kiểm soát từ đầu nguồn. Do vậy, chức năng của hệ thống thủy lợi thay đổi theo hướng kiểm soát mặn và trữ ngọt. Thời gian tới, các địa phương cần thực hiện các biện pháp kiểm soát mặn bằng hệ thống thủy lợi để nâng cao hiệu quả ngăn mặn”, PGS. TS Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nhấn mạnh.
Tích cực triển khai các giải pháp phi công trình
Trong bối cảnh mới, thách thức mới, trước những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn mặn diễn ra bất thường, tư duy thích ứng thuận thiên cần đựợc nâng tầm bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông.
Có thể thấy rằng, những giải pháp công trình rất cần thiết nhưng các giải pháp phi công trình cũng không thể thiếu. Lâu nay, chúng ta xây dựng hệ thống thủy lợi chủ yếu để thoát lũ, nay nên chuyển sang trữ ngọt và dùng nước tiết kiệm. Về lâu dài, để thích nghi với biến đổi khí hậu, hạn, mặn, trước hết chúng ta cần tiếp cận linh hoạt đối với quy hoạch sử dụng đất.
Theo đó, nhà nước cần ưu tiên đầu tư vào vùng lõi lúa gạo của Đồng bằng sông Cửu Long ở tứ giác Long Xuyên và lưu vực phù sa sông Tiền, sông Hậu. Phân biệt khu vực trồng lúa trọng yếu và không trọng yếu dựa trên sự phù hợp về sinh thái nông nghiệp, năng suất, tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, chúng ta cần áp dụng phân vùng theo không gian, có chính sách hỗ trợ khác nhau ở vùng lõi, vành đai và các khu vực trồng lúa bình thường khác.
Các địa phương phải xác định sản xuất nông nghiệp cần áp dụng "3 chuyển dịch": Dịch chuyển lịch thời vụ để "né” hạn, mặn, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa kèm theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi thành công, tránh duy ý chí và hành chính hóa sản xuất.
Các địa phương cần nhanh chóng rà soát diện tích vườn cây ăn trái và vườn giống cây ăn trái trong toàn vùng và tại các tỉnh có nguy cơ ảnh hưởng của hạn, mặn, chi tiết đến từng loại cây trồng và từng huyện. Tiếp đó, cán bộ chuyên trách cần xuống hướng dẫn bà con nhân dân giải pháp chủ động ứng phó với hạn mặn, thông qua tài liệu tuyên truyền khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đơn cử như cân bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình&hellip) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước...
Đối với nuôi trồng thủy sản, các địa phương cần chủ động cần tăng cường quan trắc môi trường vùng nuôi để có các giải pháp ứng phó kịp thời Khuyến cáo bà con nông dân có kế hoạch thả giống phù hợp, không thả giống vào thời điểm khô hạn và xâm nhập mặn Đồng thời hướng dẫn người dân tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước để hạn chế việc thay nước thường xuyên Hạn chế cho ăn khi độ mặn tăng Chủ động thu hoạch khi thủy sản nuôi đạt kích thước thương phẩm trước khi xâm nhập mặn xảy ra...
Hạn mặn năm 2020 diễn ra gay gắt hơn năm 2016 nhưng đã được cảnh báo sớm. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã sớm có chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, mặn. Nếu được các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân chủ động, tích cực phòng tránh, thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn thì năm nay có thể sẽ thấp hơn rất nhiều so với năm 2016.
Tác giả: Thanh Hậu - Nam Trang
Nguồn: Báo Tuổi trẻ thủ đô
|