Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập:
Số người đang online:  21
Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây dược liệu trên vùng trung du miền núi phía Bắc, một hướng đi tiềm năng
Cập nhật lúc : 7/18/2012 1:59:56 PM
Vùng đồi núi khu vực Trung du miền núi phía Bắc có thể trồng một số cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên thiếu nước tưới. Đây là một vấn đề cần nghiên cứu, thử nghiệm. Trung tâm Thủy lợi miền núi phía Bắc thuộc Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường hợp tác với các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm cây dược liệu, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho một số cây  trồng thử nghiệm trên vùng đồi. Kết quả ban đầu khá khả quan. Đây là một hướng đi tiềm năng để tăng thu nhập cho người nông dân.
1. Đặt vấn đề
Bảo tồn giống và phát triển vùng nguyên liệu một số loại cây Dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, đảm bảo chất lượng để cung cấp ổn định cho các nhà máy bào chế, chiết xuất dược liệu trong nước và phục vụ xuất khẩu được Nhà nước và các ngành chức năng rất quan tâm.
Text Box:
Hình 1. Cây Ngưu tất thời kỳ phát triển
Kết quả nghiên cứu của Viện dược liệu cho thấy đặc điểm sinh thái khu vực Trung du miền núi phía Bắc khá thích hợp với một số loại cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên thiếu nước tưới. Trung tâm Thủy lợi miền núi phía Bắc hợp tác với các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm cây dược liệu thuộc Viện nghiên cứu Dược liệu, một số doanh nghiệp triết xuất và chế biến thuốc để nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước để trồng  thử nghiệm một số cây trên vùng đồi như cây Diệp hạ châu, Ngưu tất, Hồng hoa, Bạch chỉ, Đương quy. Bước đầu, mô hình thử nghiệm đã đạt được kết quả khả quan, có thể là một hướng kết hợp giữa các doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu có quy mô hàng hóa, đạt chuẩn của bộ Y tế. Xin giới thiệu kết quả trồng cây ngưu tất vụ đông năm 2011.
2. Trồng thử nghiệm
Ngưu tất là một cây lấy củ để chiết xuất hoạt chất phục vụ sản xuất một số loại thuốc dùng chữa các bệnh như huyết áp cao, tim mạch... Ở nước ta, cây Ngưu tất được trồng chủ yếu tại các vùng bãi ven sông Hồng như Nam Định, Bắc Ninh. Đầu tháng 10/2011, chúng tôi trồng cây Ngưu tất thử nghiệm ở 3 ô khác nhau, diện tích mỗi ô khoảng 500m2, khoảng cách hàng cách hàng  là 100 cm, mật độ cây cách nhau từ 7 - 10cm, chế độ bón phân và chăm sóc như nhau nhưng áp dụng công nghệ tưới, chế độ tưới khác nhau cho mỗi ô.
+ Quá trình sinh trưởng của Ngưu tất chia làm 3 giai đoạn:
(i) giai đoạn 1, giai đoạn cây con (từ lúc gieo hạt đến 45 ngày).  Đây là giai đoạn cây cần phát triển thân lá (ii) giai đoạn 2, giai đoạn sinh trưởng, sinh khối (từ 45 ngày đến 120 ngày ). Đây là giai đoạn cây tích lũy dinh dưỡng để hình thành củ (iii) giai đoạn 3, giai đoạn tạo củ, chuẩn bị thu hoạch (sau 120 ngày đến lúc thu hoạch). Giai đoạn này cây phát ngồng, cần cắt ngọn cho cây, dùng kéo cắt cây, liềm dao hoặc máy cắt cỏ cầm tay để cắt phát toàn bộ từ đoạn cây bắt đầu vươn lóng.
+ Chăm sóc
(i) công việc tỉa cây định hình ở giai đoạn cây nhỏ cũng rất quan trọng. Không nên tỉa cây quá dày hoặc quá thưa ảnh hưởng tới năng suất củ Ngưu tất. Thông thường tỉa cây ở mật độ khoảng cách 7 x 10 cm cho năng suất củ cao nhất. Tuy nhiên nếu gieo theo hàng để dễ dàng cho việc thu hoạch sau này thì nên gieo tỉa cây theo mật độ 5 x 15 cm (ii) cách phát ngọn ngưu tất cũng rất quan trọng. Khi phát ngọn lưu ý không nên phát quá ngắn hoặc quá cao, tùy thuộc vào chiều cao cây mà đưa ra kích thước cây phát triển tốt nhất, thông thường để lại cây với chiều cao 40-50cm. Thời gian phát ngọn cũng phải đúng tốt nhất là khi cây có hiện tượng phát ngồng và có biểu hiện phân hóa mầm hoa.
+ Thử nghiệm tưới:
Thử nghiệm kỹ thuật tưới phun mưa áp lực thấp và tưới nhỏ giọt ngầm,  áp dụng cho 03 công thức: Trong đó  02  chế độ tưới khác nhau và một công thức không tưới đối chứng:
- M1: Tưới nhỏ giọt ngầm hai giai đoạn (giai đoạn cây con và giai đoạn sinh trưởng, sinh khối), giai đoạn chuẩn bị thu hoạch ngừng tưới.
- M2: Tưới phun mưa áp lực thấp hai giai đoạn (giai đoạn cây con và giai đoạn sinh trưởng, sinh khối), giai đoạn chuẩn bị thu hoạch ngừng tưới.
- M3: Không tưới, để đối chứng.
+ Một số thông số cơ bản Công nghệ tưới áp dụng:  
- Công nghệ tưới phun mưa áp lực thấp: Dây tưới mềm có lưu lượng q = 54 l/m/h áp lực làm việc P = 0, 5 - 1,2 atm khoảng cách dây tưới a = 3, 5m hệ số đồng đều lưu lượng nhỏ nhất k = 0,80 cường độ hạt mưa nhỏ, đều.
- Công nghệ tưới nhỏ giọt ngầm: Lưu lượng vòi tưới q = 1,5 - 3,7 l/ h áp lực làm việc P = 1, 2 - 3,0 atm khoảng cách dây tưới a = 100cm hệ số đồng đều lưu lượng nhỏ nhất k = 0,85.    
- Mức tưới mỗi lần (mi): Áp dụng công thức thực nghiệm của Saccso &ndash Ardro
mi= 100 x Gv x Ho x S­i (bđr - bghd)        (m3/ha)   (1)
Trong đó:
+ Gv = 1,30 t/m3 - dung trọng khô của tầng đất cần tưới  (t/m3)
+ Ho =  0,15 m - chiều sâu tầng đất cần tưới, tương đương với chiều dài trung bình của củ cây
ngưu tất.
+ bđr = 30% TLĐK -  độ ẩm tối đa đồng ruộng
+ bghd = 70% bđr  - độ giới hạn dưới lựa chọn
+ S =  75% -  tỷ lệ diện tích đất cần làm ẩm cho cây tính trên 1 hecta mặt bằng.
Thay vào công thức (1), tính được mức tưới mỗi lần mi = 100m3/ha/lần.
3. Kết quả ban đầu
-  Năng suất:
Cây Ngưu tất là cây thuốc cần nước và phù hợp với thổ nhưỡng vùng đồi. Cây sinh trưởng tương đối tốt, củ tương đối đồng đều trên 1 ô tưới, ít sâu bệnh. Năng suất cao nhất là M1(2,0 t/ha), M2 (1,8t/ha), M3 (1,6 t/ha)
Bảng 1: Năng suất củ cây Ngưu tất tại các ô thử nghiệm
STT Ô tưới Năng suất (tấn/ha)
1 M1 2,0
2 M2 1,8
3 M3 1,6
 
- Tưới nước:
Kết quả trồng trên 03 ô thử nghiệm tại bảng số 1 và số 2, có thể thấy rằng, ngoài yếu tố phân bón, thổ nhưỡng thì tưới nước ảnh hưởng khá rõ đến năng suất, hoạt chất củ cây Ngưu tất.
Bảng 2: Chiều dài, đường kính củ cây ngưu tất tại các ô thử nghiệm
STT Ô tưới Chiều dài củ
(cm)
Đường kính củ (mm)
1 M1 25 10
2 M2 20 8
3 M3 15 7
 
Trong điều kiện khan hiếm nguồn nước như vùng Trung du miền núi phía Bắc thì tưới nhỏ giọt khá phù hợp với Ngưu tất, vì giai đoạn tạo củ tuy nhu cầu nước vẫn có nhưng nếu tưới phun mưa vào lá thì lại kích thích mọc lá mới sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình tạo củ của cây. Đến giai đoạn giai đoạn  tạo củ, chuẩn bị thu hoạch thì không nên tưới nữa.
Cụ thể: (i) giai đoạn cây con, cần được tưới liên tục, đảm bảo cây mọc đồng đều, phát triển tốt, hai ngày tưới 1 lần giai đoạn sinh khối, tạo cành cây cần nước ít hơn giai đoạn đầu, nên giảm số lần tưới, một tuần tưới một lần để cây hình thành và phát triển củ, hạn chế phát triển thân lá giai đoạn tạo củ không nên tưới, khi mưa phải tháo nước là tốt nhất tránh ngập úng làm thối củ.
IMG_3595
Hình 2. Củ Ngưu tất tại các ô thử nghiệm M3, M2, M1 (từ trái sang phải)
4. Nhận xét
Qua kết quả thực nghiệm, bước đầu cho thấy:
 (i)cây Ngưu tất phù hợp với điều kiện vùng của miền núi phía Bắc. Công thức M2 năng suất có thể tăng 12,5% so với công thức không tưới M3  M1 tăng 25% so với công thức không tưới
 (ii) giá thành 60.000 đ/kg củ Ngưu tất khô thì doanh thu có thể đạt từ 95 đến 120 triệu/vụ trong 06 tháng  Sơ bộ tính tưới theo công thức M1 đạt 120 triệu/ha/vụ, công thức M2 đạt 108 triệu/ha/vụ, công thức không tưới M3 đạt 96 triệu/ha/vụ
 (iii) tổng mức tưới dao động trong khoảng (1800 - 2000)m3/ha/vụ số lần tưới mỗi vụ từ 18 đến 20 lần mức tưới mỗi lần khoảng (80 - 100)m3/ha, không nên tưới vào giai đoạn tạo củ chuẩn bị thu hoạch.
Kết quả thực nghiệm tưới trên mới chỉ thử nghiệm trong thời vụ 01 năm, cần phải nghiên cứu thực nghiệm các chế độ tưới khác nhau trong thời gian ba năm để xác định được chế độ tưới hợp lý nhất. Tuy nhiên, qua kết quả thực tế và nhu cầu nguyên liệu đáp ứng cho các công ty sản xuất thuốc dược phẩm trong nước và xuất khẩu khá lớn (hàng nghìn tấn/năm). Có thể thấy, triển vọng mở rộng diện tích trồng tạo thành vùng nguyên liệu cây Ngưu tất có nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn WHO, làm phong phú hơn cơ cấu cây trồng trên vùng đất đồi thiếu nước khu vực Trung du miền núi phía Bắc, đem lại giá trị kinh tế cao cho Nông dân trong tương lai gần.
ThS. Trần Hùng, KS. Dương Thị Bích Vân
Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường
Về đầu trangIn trang

VIDEO

Thời tiết

Tỷ giá

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy website này thế nào?
  Giao diện đẹp, phù hợp
  Cấu trúc web chưa hợp lý
  Bình thường, cần điều chỉnh thêm
  Ý kiến khác (xin gửi về email: iwe.vietnam@gmail.com )