Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập:
Số người đang online:  327
Giải pháp cấp nước sinh hoạt cho vùng cao núi đá Hà Giang
Cập nhật lúc : 3/10/2012 9:09:42 PM
GIẢI PHÁP CẤP NƯỚC SINH HOẠT CHO VÙNG CAO NÚI ĐÁ HÀ GIANG
                                                                                                            TS. Vũ Thế Hải
                                                                                                           Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
Tóm tắt: Vùng cao nước đá Hà Giang là một trong những vùng khan hiếm nước sinh hoạt trong cả nước, nguyên nhân không phải là do lượng mưa ít mà vùng hầu hết núi đá, nguồn nước sinh thủy thấp.
Bài viết giới thiệu giải pháp công nghệ cấp nước cho vùng cao núi đá Hà Giang như: bơm va, bơm thủy luân, công nghệ thu trữ nước quy mô hộ gia đình, quy mô thôn bản (hồ treo)  và các kinh nghiệm thiết kế, quản lý vận hành các công nghệ thu trữ nước mưa cấp nước sinh hoạt cho vùng cao núi đá Hà Giang.
  1. Mở đầu:
Hà Giang là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên BáiLào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang. Về phía Bắc, Hà Giang giáp châu tự trị dân tộc Choang và Miêu Văn Sơn thuộc tỉnh Vân Namđịa cấp thị Bách Sắc thuộc tỉnh Quảng Tây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Là một trong những nơi có lượng mưa lớn nhất trong cả nước, tuy nhiên do địa hình chia cắt, núi đá tai mèo nên lượng nước sinh thủy thấp, do đó đây cùng là nơi có tới 4 huyện vùng cao núi đá thường xuyên thiếu nước.
Thời gian thiếu nước sinh hoạt thường kéo dài từ tháng 10 cuối năm trước đến tháng 4 năm sau. Để có nước sinh hoạt, người dân phải đi bộ hàng chục km và hứng nước nửa ngày mới đủ nước sinh hoạt dùng trong 4 -5 ngày cho gia đình. Nước chủ yếu chỉ được dùng để uống và nấu ăn. Nước ăn dùng còn hạn chế, vì vậy nước sinh hoạt cho tắm giặt trong mùa khô càng thiếu thốn hơn. Nước dùng trong sinh hoạt, người dân luôn tận dụng tối đa một gáo nước sau khi vo gạo còn phải được tận dụng để rửa rau sau đó hứng cho gia súc uống hoặc tưới rau, rửa chân&hellip. Không có nước tắm giặt, cán bộ xã và giáo viên cũng thường phải “nhịn tắm”, “nhịn giặt”, dồn đến cuối tuần ra phố huyện tắm giặt nhờ nhà người quen hoặc tắm trả tiền tại các dịch vụ ở thị trấn huyện. Nước dùng cho sinh hoạt đã hạn chế thì nước dành cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi còn khó khăn hơn. Trải qua bao thế hệ, đồng bào vùng cao nguyên đá chỉ luôn ao ước được hoá giải cơn khát trong mỗi mùa khô tới. Các giải pháp khoa học công nghệ cấp nước sinh hoạt cho vùng cao núi đá Hà Giang góp phần hoàn thành mục tiêu nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Chính Phủ ổn định cuộc sống cho đồng bào vùng cao biến giới, giải pháp khoa học có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.
 
II. Một số giải pháp cấp nước cho sinh hoạt cho đồng bào vùng cao Hà Giang
2.1 Giải pháp thu trữ nước mưa
  • Viện Quản lý nước quốc tế (IWMI): thu trữ nước là một công cụ chiến lược để đối phó với hạn hán.
  • Viện nước quốc tế Stockholm: sử dụng nước mưa (rainfed agriculture) cho vùng không có công trình thủy lợi là một việc tất yếu để đảm bảo an ninh lương thực.
+ Giải pháp truyền thống
  • Nước mưa hứng từ mái nhà, cây thu lại trữ trong lu, vại, bể chứa để sử dụng cho sinh hoạt.
  •  Đào ao trữ nước mưa: Giải pháp đào ao trữ nước tại các khu vực đất dốc thương rất khó áp dụng vì nhiều lý do như (i) địa hình dốc việc lựa chọn được một khu vực tương đối bằng phẳng để đào ao rất khó còn đào tại đia hình dốc thì khối lượng đào rất lớn(ii) Khả năng giữ nước của đất đồi dốc rất thấp nên về mùa khô ao không có nước (iii) chi phí để đào ao lớn và mất một diện tích lớn.


+ Giải pháp xây các hồ treo:
Giải pháp xây dựng các hồ treo trên vùng núi đá, hứng nước mưa cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân trong khu vực, các hồ treo được xây dựng chủ yếu tại các thung lũng vùng cao 4 huyện của tỉnh Hà Giang, kết cấu các bể chủ yếu là bê tông cốt thép. Các hồ treo được bắt đầu xây dựng từ những năm 2000 trở lại đây.
+ Giải pháp xây dựng các bể, ao trữ
Giải pháp xây dựng các bể chứa, ao trữ nước mưa được áp dụng có quy mô hộ gia đình. Kết cấu các bể thường bằng gạch xây, bê tông vỏ mỏng, đá xây, vật liệu chống thấm khác, ...
2.2 Giải pháp khai thác nước từ sông, suối
Việc xây dựng các công trình lấy nước từ sông, suối để cấp nước cho các thôn bản vùng cao. Trong điều kiện xa nguồn điện lưới là dùng công nghệ bơm thủy luân, bơm va do Viện Thủy Điện và Năng Lượng Tái Tạo &ndashViện Khoa học thủy lợi Việt Nam nghiên cứu chế tạo, công nghệ này được được nhiều vùng núi trong cả nước áp dụng rất hiệu quả, trường hợp nguồn nước gần lưới điện có thể sử dụng bơm điện để bơm chuyển tiếp.
2.2.1 Bơm thủy luân:

            Bơm thủy luân còn được gọi là bơm tua bin nước là tổ hợp của tua bin hướng trục và bơm ly tâm. Lợi dụng năng lượng dòng nước để đưa nước lên cao tới các ruộng vườn hoặc cấp nước sinh hoạt. Thiết bị bơm thủy luân có các ưu điểm: Không hề tiêu hao nhiên liệu (không dùng điện, than, dầu&hellip) tự động làm việc suốt ngày đêm thiết bị có cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng, công tác quản lý vận hành đơn giản, tuổi thọ cao.
Đối tượng sử dụng: Bơm thủy luân thích hợp cho cấp nước sạch, tưới vườn đồi, tưới ruộng bậc cao. Diện tích tưới tới vài chục hecta tại những nơi xa nguồn điện lưới.
 
Bơm thuỷ luân do Viện KH Thuỷ lợi VN chế tạo áp dụng tại Tuyên Quang và Thái Nguyên
2.2.2. Công nghệ bơm va
Bơm va là thiết bị lợi dụng năng lượng của dòng nước để đưa nước từ nguồn suối lên vùng đồi cao, phục vụ nước tưới và nước sinh hoạt, thiết bị bơm va có các ưu điểm: Không (điện, dầu, than...) tự động đưa nước lên cao suốt ngày đêm. Bơm va có cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng, chi phí xây dựng công trình thấp không cần nhà trạm, công tác quản lý đơn giản, tuổi thọ cao.
 
Cấu tạo và nguyên lý làm việc: Bơm va vận hành dựa trên nguyên lý hiệu ứng nước va. Dòng nước qua đường ống vào bị chặn đột ngột bởi một chi tiết đặc biệt (van va đập) làm sinh ra áp lực nước va rất lớn. Bơm va được chế tạo để lợi dụng áp lực này đưa nước lên qua ống đẩy với chiều cao cột nước gấp chục lần cột nước làm việc của bơm. Bơm va có thể bơm lên độ cao 80m và cung cấp lượng nước đến 2,5m3/h. Bơm va được chế tạo để hiệu ứng nước va xảy ra liên tục, có chu kỳ và nước được bơm lên suốt ngày đêm.
 
Phạm vi áp dụng: Bơm va rất thích hợp cho tưới tiêu vườn đồi, tưới ruộng trên cao, cấp nước sạch cho tại những nơi xa nguồn điện lưới.

 
 
   
Bơm va phục vụ tưới và cấp nước SH tại An Thịnh xã Sơn thịnh, huyện Văn Chấn, Yên Bái do Viện KH Thuỷ lợi VN chế tạo và xây dựng
2.2.3  Bơm chuyển tiếp.
Tại những khu vực cách nguồn nước không quá xa từ một vài trăm mét đến vài km người dân thường áp dụng giải pháp bơm chuyển tiếp qua nhiều bể liên tiếp. Với giải pháp này có thể cung cấp được nguồn nước tương đối nhiều nhưng chi phí . Về cuối mùa khô khi các con suối đã cạn kiệt thì giải pháp này không thể áp dụng được.

2.2.4  Vận chuyển nước tưới bằng cơ giới, gùi, gánh
Giải pháp này thường được người dân áp dụng như trong trường hợp cấp bách mà không còn giải pháp cấp nước nào khác có thể thực hiện được. Tại những khu vực cách nguồn nước tương đối xa vào thời gian cuối mùa khô để đảm bảo các nhu cầu tối thiếu của sinh hoạt thì người dân phải thuê xe téc, dùng xe máy để vận chuyển nước tưới, hoặc gánh, gùi.
2.3 Giải pháp khai thác nước ngầm (khoan, đào giếng)
Giải pháp đào giếng thường được áp dụng tại những khu vực có điều kiện địa chất thủy văn thuận lợi. Trên các vùng đất đồi núi dốc giải pháp này khó áp dụng do tầng nước ngầm tại các khu vực này phân bố sâu dưới tầng đá, chi phí để khoan đào giếng tương đối lớn, đồng thời khả năng có nước rất thấp.  Trên thực tế có nhiều gia đình đã tốn rất nhiều chí phí đào giếng sau đó phải lấp bỏ
 
Sử dụng nước giếng khoan, giếng khơi phục vụ sinh soạt
giếng sau đó phải lấp bỏ hoặc về mùa khô giếng lại không có nước. Mặc dù vậy giải pháp này cũng có một số ưu điểm như: tạo được nguồn nước ngay tại khu ruộng canh tác không mất nhiều diện tích đất quản lý vận hành đơn giản chi phí thấp.
  1. Giải pháp cấp nước tự chảy
+ Đối với bể hộ gia đình: Nhiều vùng không có sông suối chạy qua, đồng thời địa hình núi đá chia cắt phức tạp nên về mùa khô lượng nước mặt trong khu vực gần như không có. Địa chất đá vôi phân bổ sâu nên việc khai thác nước ngầm cùng rất khó khăn và trữ lượng nước ngầm cùng rất ít. Với những điều kiện như vậy việc khai thác nước trong khu vực chủ yếu là hứng nước mưa và thu trữ tại các mó nước lộ thiên. Trong nhưng năm qua thông qua các chương trình dự án, đã có nhiều công trình cấp nước được xây dựng như bể nước hộ gia đình, cấp nước tự chảy từ các mó nước về cụm dân cư.
+ Các công trình cấp nước tự chảy bằng đường ống, đập dâng và bể thu từ các mó: Hình thức công trình này cấp nước tới tận các hộ gia đình hoặc cụm dân cư tiết kiệm được công đi lấy nước của người dân, và chất lượng nước cấp bằng hình thước này tương đối tốt. Nhưng về mùa khô các mó nước này cũng gần như cạn kiệt các công trình này chỉ phát huy hiệu quả vào mùa mưa do không điều tiết được lượng nước giữa hai mùa. Đồng thời do ý thức người dân chưa cao nên việc sử dụng từ các công trình này không tiết kiệm, về mùa khô lưu lượng cấp nhỏ nên nhiều hộ dân đầu nguồn đã phá đường ống cấp để lấy nước làm cho quá trình quản lý khai thác công trình khó khăn. Nhiều công trình sau khi xây dựng 1÷ 2 năm đã bị người dân phá hỏng.
3. Kinh nghiệm thiết kế các công trình trữ thu nước mưa cấp nước sinh hoạt vùng cao núi đá Hà Giang
3.1       Công thức tính toán tổng lượng nước thu trữ
V = Wo - Wa + Wt (m3)
Trong đó:
Wo: Nhu cầu nước dùng cho sinh hoạt
Wa: Tổng lượng nước có thể khai thác từ các nguồn bổ sung như ao, hồ, sông, suối (m3)
Wt: Tổng lượng nước tổn thất do bốc hơi thường lấy bằng 10 ÷ 20 dung tích trữ
3.2 Quy mô hộ gia đình
3.2.1 Bể chứa gạch xây: Bể được thiết kế thành đứng, giữa bể có vách ngăn, đáy bể hình lòng thuyền với độ sâu của tim đáy so với mép đáy bể 30¸50cm. Phía dưới vách ngăn có để lỗ thông nước kích thước 40x60cm. Ống lấy nước ra được đặt cách đáy bể 20cm. Toàn bộ phần thành và phần đáy bể được thiết kế vật liệu là gạch xây M100, trát dày 2cm M75 có đánh bóng chống thấm bằng hồ xi măng.

Hình 4.1 Kết cấu cơ bản bể gạch xây
3.2.4. Bể xi măng vỏ mỏng: Vật liệu XMVM đã được nghiên cứu áp dụng ở rất nhiều lĩnh vực xây dựng trên thế giới. Vật liệu xây dựng là cát vàng, xi măng và lưới thép chịu lực, đây là loại vật liệu có khả năng chịu lực tốt, khối lượng xây dựng ít. Bể được thiết kế hình lòng thuyền hai thành là mái nghiêng (phần mái nghiêng 50). Toàn bộ bể được trát lớp vữa xi măng cát vàng M100 trong đặt một lớp lưới thép chịu lực, phía ngoài đánh bóng chống thấm bằng hồ xi măng PC 40. Bốn mép bể được đắp một lớp vữa dày 10cm rộng 15cm và đặt một thanh săt f6. Trên mặt bể có đặt ống xả nước thừa và ống lấy nước tưới được đặt sát đáy bể. Kích thước cơ bản của bể được thể hiện trên Hình 4.5.

Hình 4.5.Kết  cấu cơ bản bể xi măng vỏ mỏng
3.3 Quy mô thôn, bản - Hồ treo trữ nước mưa
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô hạn cho người dân vùng cao Hà Giang, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đầu tư xây dựng những chiếc hồ chứa nước với dung tích hàng nghìn m3. Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Giang, đến nay trên địa bàn 4 huyện vùng vúi đá có 77 hồ chứa nước. Một phần dân cư trên địa bàn đã được hưởng lợi từ các công trình cấp nước sinh hoạt.
Không chỉ đảm bảo về chất lượng mà mỗi chiếc hồ còn được thiết kế khá đẹp mắt. Những chiếc hồ hình bầu dục, hình trái tim hay hình vầng trăng khuyết&hellip với làn nước trong xanh, không chỉ cũng cấp nước cho hàng ngàn người dân nơi đây mà còn tạo nên cảnh quan môi trường nên thơ cho vùng cao nguyên đá của tỉnh.  
Những chiếc hồ chứa nước lớn được xây dựng ở vị trí thung lũng để có thể thu gom nước từ các vách đá xung quanh song lại phải nằm ở vị trí tương đối cao để từ đó có thể dẫn nước về các bể áp, cấp nước cho người dân. Bởi vậy không ngoa khi người ta gọi đó là những chiếc “hồ treo” trên núi&hellip

 

Hồ chứa nước Sính Lủng (trái)-Lùng Thàng - xã Hố Quáng Phìn (phải) - Đồng Văn - Hà Giang

Hồ chứa nước

 + Quy mô và kết cấu:
Tường chắn: Kết cấu bằng bê tông cốt thép M200, chiều cao h = 3.0 m, bề rộng đỉnh tường B=0.4m, bề rộng đáy Bđ= 2.0 m. Tổng chiều dài tường chắn xung là L = 138.59 m. Dọc theo tường chắn cứ 10 m bố trí một khe lún.
Gia cố mái hồ treo: Mái hồ được gia cố bằng BTCT M200 dày 10 cm, hệ số mái gia cố m = 1. Dọc theo chiều dài của mái, cứ 5m bố trí một khe lún.
Nền bể: Có kết cấu từ trên xuống dưới gồm các lớp. Bê tông cốt thép M200 dày 15 cm, lớp vải địa kỹ thuật, lớp vải chống thấm, tiếp theo là lớp vải địa kỹ thuật, cuối cùng là lớp cát lót dày 10 cm.
Rãnh thoát lũ: Rãnh thoát lũ được bố trí sát theo tường chắn, được xây bằng đá hộc vữa xi măng M75 dày 30 cm. Bề rộng đáy rãnh B = 2m, một mái là tường chắn, mái còn lại có hệ số mái m = 1 được gia cố bằng đá hộc xây vữa xi măng M75.
Bậc xuống hồ để lấy nước: Được xây bằng đá hộc vữa xi măng M75, bề rộng của bậc B=3m.
Cầu vào hồ lấy nước: Kết cấu bằng bê tông cốt théo M200, bề rộng mặt cầu Bc = 3m. Hai bên mép cầu được bố trí lan can bằng thép.
(Chú ý: Đơn vị thi công phải tiến hành bảo dưỡng bê tông bể đúng quy trình quy phạm, sau khi thi công xong phải bơm nước vào bể duy trì  mực nước tối thiểu trong bể là 20cm)
+ Cổng và hàng rào:
Hàng rào được bố trí xung quanh hồ, bảo vệ cho hồ, có kết cấu bằng hệ thống khung thép hình, lưới B40 liên kết vào trụ hàng rào. Móng trụ hàng rào được xây bằng gạch đặc vữa xi măng M75.
Cổng: Trụ cổng được xây bằng gạch đặc vữa xi măng M75, giữ cho trụ ổn định là một thanh thép hình L63x63x5. Trong lõi trụ thanh thép được cắm vào móng trụ bằng bê tông cốt thép.
Cánh cổng: Được làm bằng thép tròn F16 và hệ thống khung bằng thép hình L50x50x5.
 
4. Quản lý, vận hành công trình thu trữ nước
Để đảm bảo công trình vận hành một cách hiệu quả, an toàn cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Nghiêm cấm tất cả các loại xúc vật vào khu vực bể phá hoại và làm mất kết cầu ổn định của công trình. Nên rào vườn để tăng cường khả năng  bảo vệ
- Cấm trẻ em đến gần bể: Bể chứa thường có độ sâu trên 1,5m và diện tích tương đối rộng do đó cần tuyên truyền giáo dục và cấm trẻ em đi lại chơi đùa quanh bể trữ nước khi không có người lớn đi cùng vì rất nguy hiểm nếu ngã xuống bể.
- Không tiến hành đào súc hay xây dựng các công trình làm ảnh hưởng đến nền móng và kết cấu bể (trong phạm vi > 2 lân độ sâu bể)
- Không được vận hành máy móc hoặc có các hoạt động gây chấn động trong khu vực gần bể chứa.
 - Hạn chế mở bể trữ nước ra khi đã che đậy kín và không được múc nước bằng xo chậu.
- Không được nuôi cá to trong bể: Vật liệu làm bể trữ nước là loại HDPE mỏng, loại vật liệu này có tính mềm dẻo và chịu lực phân bố tốt, tuy nhiên khả năng chịu lực tập trung lại rất kém nên có nếu nuôi cá trong bể có thể gây ra hiện tượng thủng châm kim tấm HDPE làm thất thoát lượng nước. Tuy vậy có thể thả cá nhỏ để bắt muỗi, làm sạch bể tránh tình trạng vi sinh vật làm tắc ống lọc nước ra, có thể thả cá Cờ, cá Bống...
- Bảo quản bể và kiểm tra bể thường xuyên để phát hiện các hiện tượng bất thường kịp thời xử lý
- Quản lý chặt chẽ van xả nước tưới tránh hiện tượng sơ ý hoặc cố ý vặn van xả không đống lại gây mất nước trong hồ
- Thường xuyên nạo vét rãnh thu và bể lọc nhất là trước các trận mưa lớn nhằm hạn chế lượng đất cát lặng đọng trong hồ, kiểm tra các chỗ sạt lở dọc theo rãnh thu, tiến hành đầm chặt rãnh thu
- Không được sử dụng hết toàn bộ nước trong bể phải để lại một lớp nước 10 ¸20cm dưới đáy bể.
- Hàng năm vào cuối mùa khô phải tiến hành nạo vét vệ sinh bể đảm bảo khả năng chứa nước vào đầu mùa mưa.
 
5. Kết luận
            Hà Giang là tỉnh miền Tây Bắc, lượng mưa trung bình năm thuộc vào loại cao trong cả nước, tuy nhiên vào mùa khô có có tới 4 huyện vùng cao của tỉnh thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Nguyên do địa hình núi đá cao là chủ yếu, khi mưa xuống lượng nước thẩm thấu ít, nên các sông suối chóng khô cạn. Vì vậy nguồn nước ngầm cũng khan hiếm.
Cho đến nay, bằng nhiều hình thức khác nhau, trên địa bàn 4 huyện núi đá vùng cao tỉnh Hà Giang đã có 585 công trình cấp nước tập trung (tự chảy), hơn 40.500 bể, lu chứa nước hộ gia đình, 26 giếng đào Unicef và 77 hồ chứa, đây là tài sản vô cùng quý giá đối với bà con của 4 huyện vùng cao nói riêng và của tỉnh Hà Giang nói chung.
Hà Giang đề ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ giải quyết triệt để việc “khát nước” sinh hoạt cho người dân 4 huyện vùng cao núi đá cải thiện một phần đáng kể cuộc sống bà con các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc. Để thực hiện được mục tiêu đó, Hà Giang cần xây dựng thêm 300 hồ chứa nước để cung cấp nước sinh hoạt cho 17.000 dân đang làm ăn sinh sống trên địa bàn “khát nước”. Nguồn kinh phí là quá lớn với một tỉnh nghèo nhất của cả nước như Hà Giang.
Đặc điểm địa hình hiểm trở, nguyên vật liệu xây dựng công trình quá cao, do vậy giá thành đầu tư xây dựng những công trình hồ treo kiên cố thì quá cao, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, tình hình lạm phát tăng cao, chính quyền địa phương cần có chính sách tự lực, tự cường, kết hợp nhà nước và nhân dân cùng làm, xây dựng các công có quy mô hộ gia đình, như các bể bằng bê tông vỏ mỏng, HDPE thì giá thành sẽ hạ đi rất nhiều.
Các hồ treo, các công trình cấp nước khác đều là các công trình yêu cầu có trình độ quả lý vận hành nhất định, trong khi người dân địa phương dân trí thấp. Do vậy cần có chính sách nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác có hiệu quả công trình. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 2006-2010 nội dung chủ yếu chương trình giai đoạn 2011-2015.
 [2]. Tài liệu hướng dẫn công tác theo dõi và đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2009.
[3]. Báo cáo đánh giá thường niên của Văn phòng Chương trình và các nhà tài trợ về thực hiện Chương trình MTQG Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010.
[4]. Tài liệu hướng dẫn công tác theo dõi đánh giá Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, năm 2009.
 [5]. Báo cáo ”Đánh giá hiện trạng quản lý khai thác, vận hành và bảo dưỡng các công trình cấp nước tập trung nông thôn và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện cơ chế quản lý hiệu quả, bền vững do Trung tâm QG NS&VSMTNT” thực hiện tháng 9/2010
[6]. Báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường và kế hoạch hàng năm của 20 tỉnh điều tra.
 
Về đầu trangIn trang

VIDEO

Thời tiết

Tỷ giá

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy website này thế nào?
  Giao diện đẹp, phù hợp
  Cấu trúc web chưa hợp lý
  Bình thường, cần điều chỉnh thêm
  Ý kiến khác (xin gửi về email: iwe.vietnam@gmail.com )