Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập:
Số người đang online:  23
Khủng hoảng nước
Cập nhật lúc : 4/10/2024 3:55:24 PM
Nhiều thành phố lớn trên thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng trong những năm gần đây.

Chạy dọc theo các con đường đầy bụi ở vùng nông thôn Mount Airy của Jamaica, rất dễ nhìn thấy hàng chục chiếc thùng nước màu đen cao 2 m được nối với ống nước thông lên mái nhà của các căn nhà lân cận. Những thùng nước này được dùng để đựng nước mưa và thông qua một hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt, đưa nước đến các cánh đồng trồng cà chua, tiêu và khoai lang gần đó. Ở một khu vực mà hạn hán ngày càng trở nên thường xuyên, do tác động của biến đổi khí hậu, những thùng nước này đã trở thành phao cứu sinh của các hộ nông dân tại đây. “Lượng mưa ngày càng ít đi và khó đoán trước. Có được hệ thống thu gom nước mưa như vậy thật là tốt”, Althea Spencer, một nông dân ở khu vực này, cho biết.

Hệ thống thu thập nước mưa ở Mount Airy nằm trong chương trình hỗ trợ của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) nhằm quản lý nước bền vững hơn và tìm ra những nguồn nước mới, bằng việc áp dụng đa dạng các phương pháp từ lọc nước thải cho đến “gieo mây”. Những nỗ lực này ngày càng phổ biến trên toàn cầu trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc khuyến cáo thế giới đang tiến gần đến cuộc khủng hoảng nước, với dự đoán sẽ thiếu hụt 40% nguồn nước ngọt vào năm 2030.

Đó là lý do năm nay an ninh nguồn nước là một chủ đề quan trọng trên bàn nghị luận của kỳ họp thứ 6 Hội đồng Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEA) diễn ra từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2024. “Khan hiếm nước đã trở thành một vấn đề nhức nhối đối với ngày càng nhiều quốc gia”, Leticia Carvalho thuộc UNEP nhận xét.

2/3 dân số thế giới căng thẳng nguồn nước

Hiện tại, 2,4 tỉ người đang sống trong các quốc gia căng thẳng nguồn nước, được định nghĩa là các quốc gia sử dụng ít nhất 25% các nguồn tài nguyên nước ngọt tái tạo để đáp ứng nhu cầu về nước. Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là Nam và Trung Á, Bắc Phi. Tại Tây và Trung Phi, hồ nước ngọt Chad đã thu hẹp tới 90% trong 60 năm qua, gây ra những thách thức về an ninh và kinh tế cho các quốc gia xung quanh như Cameroon, Chad, Trung Phi, Libya, Niger và Nigeria.

Tại Tây Ban Nha, một số nơi đã không có mưa trong 3 năm, hạn hán dự báo sẽ trở nên căng thẳng hơn và thường xuyên hơn khi trái đất ngày càng nóng hơn. Các thành phố trên thế giới từ Cape Town ở Nam Phi cho đến Chennai ở Ấn Độ đều đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng trong những năm gần đây. Thậm chí các nước phát triển như Mỹ cũng chứng kiến mực nước giảm xuống mức thấp kỷ lục.



Cùng với biến đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng nước càng trầm trọng bởi tốc độ đô thị hóa không kiểm soát, tăng trưởng dân số nhanh, ô nhiễm và mở rộng đất đai. Tình trạng thiếu hụt nguồn nước đã và đang ảnh hưởng đến mọi thứ từ an ninh lương thực đến đa dạng sinh học và trong những năm tới sẽ còn trở nên thường xuyên hơn. Dự báo vào năm tới, 1,8 tỉ người sẽ đối mặt với cái mà Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) gọi là “khan hiếm nước tuyệt đối” (được định nghĩa là nguồn nước tái tạo dưới 500 m3/năm/người) và 2/3 dân số thế giới sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng nguồn nước.

Xưa nay, hầu hết nước ngọt để uống và vệ sinh đều đến từ các tầng ngậm nước. Nhưng nhiều tầng ngậm nước đã cạn kiệt do khai thác quá mức, mùa khô và hạn hán kéo dài. Đây là rủi ro gia tăng cho các đảo quốc nhỏ, nơi nước ngọt ngày càng bị đe dọa bởi tình trạng nhiễm mặn khi mực nước biển dâng cao và các vùng đất bị thoái hóa chìm xuống.

Stefan Uhlenbrook, Giám đốc Thủy văn, Nước và Băng quyển tại Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhận định nhu cầu nước “đang vượt hơn lượng nước ngọt có sẵn và biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm vấn đề này”. Ông nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm câu chuyện khan hiếm nước và những nguy hiểm liên quan đến nước từ lũ lụt cho đến hạn hán.

Mina Guli, CEO của Thirst, tổ chức phi lợi nhuận về các vấn đề nước, nhắc đến một nguy cơ lớn khác. “Đây không chỉ là thách thức môi trường mà còn là một rủi ro kinh tế và thương mại. Đó là rủi ro chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã không đánh giá được tầm quan trọng và quy mô của thách thức về nước mà chúng ta đang đối mặt”, Guli nói.

Lấy ví dụ về Bỉ, một trong những quốc gia tại châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng căng thẳng nước, theo Viện Tài nguyên Thế giới, dù nước này vẫn có mưa khá thường xuyên. Hiện tại, nguồn nước ngọt của Bỉ đang không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân cũng như của các ngành nông nghiệp và công nghiệp.

Nông nghiệp và sản xuất lương thực đang là ngành sử dụng nhiều nước nhất, chiếm tới 70% lượng nước ngọt trong khi công nghiệp chiếm 20% và chỉ 10% cho nhu cầu nội địa, theo Uhlenbrook thuộc WMO. Guli của Thirst cũng đưa ra dẫn chứng về mức tiêu thụ nước khổng lồ của ngành nông nghiệp: để làm ra một bộ trang phục, cần lượng nước còn hơn cả một người uống trong 40 năm. Với sự khan hiếm nước đang diễn ra và sẽ còn trầm trọng hơn trong tương lai, các ngành công nghiệp và nông nghiệp sẽ ngày càng cảm thấy gian nan, Guli dự báo. Tại Pháp, thậm chí một số nhà máy điện hạt nhân đã phải tạm thời đóng cửa để giảm sản lượng điện do thiếu nước làm mát.Đối phó với khủng hoảng nước

Đối phó với khủng hoảng nước

Để giải quyết tình trạng khan hiếm nước toàn cầu, Carvalho của UNEP cho rằng các nhà làm chính sách ở những quốc gia khan hiếm nước cần phải suy nghĩ lại một cách triệt để các chính sách quy hoạch nước bằng cách tăng cường những phương pháp khai thác nguồn nước “không chính thống”. “Sử dụng hệ thống nước hiện có của chúng ta một cách hiệu quả hơn trong khi khai thác các nguồn nước không chính thống có tiềm năng to lớn giúp cải thiện cuộc sống và kế sinh nhai của người dân”, bà nói.

Chẳng hạn, tại một số khu vực nông thôn ở Chile và Peru, người dân ở đây đang thu thập nước lơ lửng trong không khí. Một số hệ thống như vậy sử dụng một loại lưới mịn để giữ lại những giọt sương mù nhỏ li ti và hút chúng vào một bể chứa.

Nhiều nơi cũng đang xem nước thải như một lời giải cho vấn đề căng thẳng nguồn nước. Báo cáo UNEP năm 2023 chỉ ra nước thải có thể cung cấp gấp hơn 10 lần lượng nước được cấp bởi các nhà máy khử muối hiện có trên thế giới. Tuy nhiên, một thực tế là chỉ 58% nước thải hộ gia đình được xử lý một cách an toàn. Nước thải thường không được tái sử dụng do lo ngại vấn đề lây nhiễm, vi nhựa và các thuốc kháng khuẩn. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng với các chính sách và công nghệ phù hợp, chúng ta hoàn toàn có thể cho nước thải “một cuộc đời khác”.



Những năm gần đây, các quốc gia đã bắt đầu ưa chuộng phương pháp khử muối, một quy trình tách muối khỏi nước muối và lọc thành nước uống. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào năm 2018, có 15.906 nhà máy khử muối đang hoạt động tạo ra khoảng 95 triệu m3 nước được khử muối mỗi ngày để phục vụ nhu cầu sử dụng của con người, trong đó 48% được sản xuất tại Tây Á và Bắc Phi. Sự phụ thuộc của thế giới vào công nghệ khử muối được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tới.

Nhiều quốc gia như Bahamas, Maldives và Malta đều sử dụng phương pháp khử muối để đáp ứng 100% nhu cầu nước của họ và khoảng phân nửa nước uống của Ả Rập Saudi đến từ các nhà máy khử muối. Tuy nhiên, khử muối đòi hỏi phải đầu tư rất lớn vào hệ thống đường ống và máy bơm, trong khi nhiên liệu hóa thạch thường được sử dụng trong các quy trình khử muối lại tiêu tốn nhiều năng lượng trong khi góp phần gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Việc khử nước muối độc hại cũng gây ô nhiễm hệ sinh thái biển.

Trong công cuộc tìm kiếm nguồn nước mới, các quốc gia cũng đang tìm cách khai thác bầu khí quyển, ước tính chứa 13.000 km3 hơi nước. Ngày càng nhiều quốc gia đang thử nghiệm giải pháp “gieo mây”, một kỹ thuật “gieo” bạc iodide vào các đám mây để tạo mưa hoặc tuyết. Các quốc gia từ Úc đến Nam Phi đều đã đầu tư vào công nghệ này. Trung Quốc cũng đang đưa ra một trong những chương trình “gieo mây” tham vọng nhất thế giới.

Song song với việc tìm kiếm các nguồn nước ngọt mới, các chuyên gia khuyến nghị vấn đề quản lý nguồn nước hiệu quả hơn cần được đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, như Guli nhận xét: “Một lượng lớn nước đang bị lãng phí. Nước không đến từ vòi mà đến từ một hệ sinh thái hiệu quả”.

Ở khía cạnh này, cơ hội lớn nhất nằm ở việc làm giảm thất thoát nước trong ngành nông nghiệp, chẳng hạn bằng cách đầu tư vào hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt. Các thành phố, vốn là nơi sinh sống của hơn 50% dân số thế giới, cũng phải ráo riết ngăn chặn tình trạng thất thoát nước như đường ống bị rò rỉ. Tại Mỹ, chẳng hạn, hơn 3.700 tỉ lít nước bị thất thoát hằng năm do hệ thống ống nước ở các hộ gia đình bị lỗi.

Cate Lamb, chuyên gia kinh tế học và rủi ro, an ninh nguồn nước, nhận định: “Nhìn chung, các công nghệ và giải pháp đã có rồi. Điều cần làm là phải triệt để chuyển đổi phương thức thực hành nông nghiệp của chúng ta. Chúng ta cần theo dõi, giám sát một cách nhất quán ở mọi cấp độ của nền kinh tế, từ cấp quốc gia, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức tài chính để đảm bảo không sử dụng nước nhiều hơn mức chúng ta có thể duy trì”.

Lamb cũng cho biết một tín hiệu tích cực là các tổ chức, doanh nghiệp cũng đã bắt tay hành động. Một ví dụ là gần đây ngân hàng Tây Ban Nha BBVA đã cấp một khoản vay cho công ty điện lực Iberdrola với mức lãi suất sẽ được “neo” theo các chỉ số nước cụ thể.    

Đồng quan điểm, Carvalho thuộc UNEP cho rằng: “Các quốc gia cần phải sáng tạo hơn trong cách họ quản lý, bảo tồn và đảm bảo các nguồn nước trong những năm sắp tới. Sử dụng nước khôn ngoan và hài hòa với thiên nhiên là điều rất cần thiết để đẩy nhanh tiến độ triển khai các mục tiêu phát triển bền vững”

Nguồn: http://dwrm.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Nhin-ra-The-gioi/Khung-hoang-nuoc-13193

Về đầu trangIn trang

VIDEO

Thời tiết

Tỷ giá

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy website này thế nào?
  Giao diện đẹp, phù hợp
  Cấu trúc web chưa hợp lý
  Bình thường, cần điều chỉnh thêm
  Ý kiến khác (xin gửi về email: iwe.vietnam@gmail.com )