Tới năm 2030, nhu cầu về nước trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng tới 50%. Hầu hết các nhu cầu này là ở các thành phố và sẽ đòi hỏi cách tiếp cận mới để thu gom và quản lý nước thải. Thực tế cũng cho thấy, nước thải được tái sử dụng có thể giúp giải quyết các thách thức khác bao gồm sản xuất lương thực và phát triển công nghiệp.
Thống kê cho thấy, hầu hết tại các khu vực có thu nhập thấp của các thành phố và thị trấn ở các quốc gia đang phát triển, lượng nước thải được thải trực tiếp vào các cống nước gần nhất hoặc các kênh thoát nước chính thức, đôi khi chỉ được xử lý một phần hoặc hoàn toàn không được xử lý. Ngoài nước thải từ các hộ gia đình, các bệnh viện và các ngành công nghiệp như khai thác mỏ quy mô nhỏ và các xưởng gara ô tô thường đổ các hoá chất độc hại và chất thải y tế vào hệ thống nước thải. Ngay cả ở các thành phố nơi nước thải được thu gom và xử lý thì hiệu quả xử lý cũng có thể thay đổi tuỳ theo các hệ thống xử lý. Các cơ sở xử lý nước thải truyền thống có thể không loại bỏ các chất ô nhiễm nhất định, ví dụ như các chất gây rối loạn nội tiết gây ảnh hưởng xấu tới con người và hệ sinh thái.
Các ví dụ:
Hệ thống phân phối kép cung cấp nước tái sử dụng: Kể từ năm 1977 tại St Petersburg, Florida, Mỹ, một mạng lưới đường ống song song, riêng biệt với mạng lưới nước sinh hoạt đã phục vụ kết hợp tại các khu dân cư, thương mại và khu công nghiệp, cho phép họ dùng nước tái sử dụng cho tưới, giặt ủi, rửa xe và giải trí.
Nước thải được xử lý sinh học trước khi xả thải: Lượng nước thải từ sân bay Schiphol, Amsterdam được so sánh với một thành phố nhỏ với dân số khoảng 45.000 người. Khoảng một nửa nước thải từ các hành khách và các cửa hàng kinh doanh tại sân bay, 25% được thải từ máy bay và phục vụ, còn lại là từ các doanh nghiệp hàng không khác có liên quan. Nhà máy xử lý nước thải tại chỗ đã sử dụng phương pháp xử lý sinh học để xử lý đạt tiêu chuẩn phù hợp và xả vào các nguồn nước tại địa phương.
 
(nguốn: http://dwrm.gov.vn/)