Ngày 31/10/2018, Cơ sở Đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức buổi lễ bảo vệ luận án Tiến sỹ kỹ thuật cấp Viện cho NCS. Nguyễn Xuân Lâm với đề tài “Nghiên cứu đề xuất phương pháp vận hành tối ưu hệ thống hồ chứa thượng lưu lưu vực sông Hồng trong mùa cạn”. Mã số: 62 58 02 12.
Tham dự lễ bảo vệ có GS.TS. Tăng Đức Thắng - Phó Giám đốc Viện - Chủ tịch hội đồng, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện - Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường  PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính các chuyên gia, nhà khoa học thuộc chuyên ngành kỹ thuật tài nguyên nước và bạn bè, đồng nghiệp, người thân của NCS. Ngoài ra còn có Bà Nguyễn Phương Nga - Đại diện cơ quan quản lý đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Hội đồng đánh giá luận án do GS.TS. Tăng Đức Thắng - Phó Giám đốc Viện làm Chủ tịch
PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính phát biểu tại buổi lễ
 
Tại Lễ bảo vệ, NCS. Nguyễn Xuân Lâm cho biết hệ thống sông Hồng là hệ thống sông lớn thứ hai ở Việt Nam sau hệ thống sông Mê Công, có vị trí chiến lược quan trọng, có vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và nguồn lợi lớn về thủy điện. Hệ thống hồ chứa thủy điện lớn đã hoàn thiện và đóng vai trò điều tiết chính trên hệ thống. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, tình trạng cạn kiệt dòng chảy trên hệ thống đang diễn biến ngày một trầm trọng. Mặc khác, thực hành xả nước Đông Xuân với mức tăng gấp đôi từ 2,78 đến 5,77 tỷ m3 từ 2007 đến 2015, trong khi đó quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện mới đơn thuần chỉ là các ràng buộc tĩnh cho vận hành và chưa được xây dựng với cách tiếp cận tối ưu vận hành hệ thống đa mục tiêu.
 
Theo NCS, sự phối hợp vận hành của các hồ chứa chưa chỉ ra được trong các tình huống thực tế. Các ràng buộc cho hệ thống mặc dù đã được nghiên cứu chi tiết và tham vấn đầy đủ nhưng thực tế vẫn còn mang tính chủ quan. Nguyên nhân ở đây là do các mục tiêu vận hành về bản chất luôn mâu thuẫn nhau như điện lượng, cấp nước hạ du chưa được tối đa hóa và sự trao đổi lợi ích giữa chúng chưa được phân tích rõ ràng.
 
NCS. Nguyễn Xuân Lâm cho rằng cần thiết phải có các nghiên cứu về giải pháp vận hành tối ưu hệ thống hồ chứa thủy điện sông Hồng trong mùa cạn theo hướng tối đa hóa cùng lúc nhiều mục tiêu. Từ đây, có thể phân tích được sự trao đổi giữa các mục tiêu nhằm phục vụ cho đàm phán giữa các bên và đưa ra được các hàm vận hành thời gian thực dựa trên chính sách vận hành đã được lựa chọn.
 
Mục đích nghiên cứu nhằm Xây dựng cơ sở khoa học đề xuất giải pháp vận hành hệ thống hồ chứa thủy điện trong mùa cạn nhằm tối ưu hóa phát điện và cấp nước hạ du theo hướng tối ưu hóa đa mục tiêu và ứng dụng thuật toán BORG-MOEA cho lưu vực sông Hồng.
 
Trong nghiên cứu, sau quá trình tổng quan và phân tích toàn diện các đặc điểm của hệ thống, NCS đã đề xuất được bài toán tối ưu đa mục tiêu với 2 hàm mục tiêu mâu thuẫn nhau và đã xây dựng được một hệ thống mô phỏng bao gồm mô hình hệ thống hồ và mô hình hạ lưu, phù hợp cho bài toán tối ưu và quá trình hỗ trợ ra quyết định của hàm vận hành. Nghiên cứu đã đề xuất một khung tính toán tối ưu kết nối các mô hình, lấy thuật toán Borg-MOEA làm trung tâm với quy trình tính theo phương pháp tham số - mô phỏng - tối ưu (PSO). Tính toán tối ưu đã dừng lại ở một mặt Pareto với 350 nghiệm không trội. Các nghiệm đã được phân tích đánh giá và kiểm tra trên một mùa kiệt thực tế (2015-2016) nằm ngoài giai đoạn tối ưu. Hàm vận hành thời gian thực đã cho thấy sự cải thiện đáng kể so với vận hành thực tế và khả năng ứng dụng thuận tiện trong thực tế, NCS. Nguyễn Xuân Lâm nói về các kết quả nghiên cứu chính của Luận án.
 
Sau khi nghe NCS. Nguyễn Xuân Lâm trình bày tóm tắt kết quả luận án và trả lời các câu hỏi của các thành viên Hội đồng cũng như các khách mời tham dự, Hội đồng chấm luận án đã họp kín và bỏ phiếu.
Thay mặt Hội đồng, Thư ký Hội đồng PGS.TS. Lê Văn Nghị đã đọc Nghị quyết của Hội đồng. Theo đó, Luận án có khối lượng lớn, nội dung đầy đủ, đảm bảo yêu cầu của một luận án tiến sĩ kỹ thuật cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu hiện đại và tin cậy có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn các kết quả nghiên cứu của luận án mới, không có sự trùng lặp với các nghiên cứu đã công bố trong, ngoài nước Cơ sở khoa học và các kết quả nghiên cứu của luận án là cơ sở để các cơ quan quản nhà nước, Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN)tham khảo ứng dụng trong vận hành hệ thống hồ chứa trên sông Hồng vào mùa cạn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước và là tài liệu tham khảo cho các nhà khoa học quan tâm về phương pháp luận, công cụ, số liệu và kết quả nghiên cứucủa luận án cho công tác đào tạo và các nghiên cứu tiếp theo. 
Cũng theo Nghị quyết của Hội đồng, do phạm vi nghiên cứu của luận án rộng về không gian, xem xét nhiều vấn đề và sử dụng nhiều công cụ nên còn một số thiếu sót và tồn tại. Do vậy, Hội đồng yêu cầu NCS chỉnh sửa một số nội dung sau: các kết quả mô hình cân bằng nước, mô hình thủy lực và truyền mặn ở hạ lưu, mô hình ANN mô tả hiện trạng hồ chứa mang tính tổng hợp chỉnh sửa hình vẽ, lỗi chính tả, trích dẫn tài liệu và thuật ngữ.
Kết quả bỏ phiếu đánh giá luận ánh của Hội đồng: 7/7 phiếu tán thành trong đó có 04 phiếu xuất sắc.
Hội đồng kiến nghị Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam công nhận trình độ tiến sĩ kỹ thuật, chuyên ngành Kỹ thuật tài nguyên nước, cấp bằng tiến sĩ kỹ thuật cho NCS. Nguyễn Xuân Lâm. 
Hội đồng nhất trí 100% thông qua nghị quyết.
Phát biểu kết luận tại buổi lễ bảo vệ, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Tăng Đức Thắng đề nghị NCS tiếp thu, hoàn thiện về nội dung, hình thức luận án theo như những ý kiến nhận xét, những góp ý của thành viên Hội đồng, các nhà khoa học, các cơ quan và cơ sở đào tạo cung cấp cho NCS các bản nhận xét liên quan.
Thay mặt cho cơ sở đào tạo của Viện, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện đã gửi lời chúc mừng NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, hai thầy giáo hướng dẫn chúc mừng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường có thêm 01 Tân Tiến sĩ bổ sung vào lực lượng nghiên cứu khoa học của Viện.
PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong cho biết NCS. Nguyễn Xuân Lâm là NCS thứ 8 đã bảo vệ thành công ở cơ sở đào tạo của Viện trong năm 2018 là NCS thứ 3 của Khoa kỹ thuật tài nguyên nước trong năm 2018 và cũng là NCS thứ 2 bảo vệ thành công của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường trong năm 2018.
“Hiện nay, Viện có khoảng 60 NCS đã và đang nghiên cứu học tập tại Viện cơ sở đào tạo của Viện đang cố gắng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đặc biệt những nội dung mang tính thực tiễn cao như Luận án của NCS. Nguyễn Xuân Lâm bảo vệ nhất là trong bối cảnh khó khăn về nguồn nước hiện nay nội dung của luận án này đã mở ra hướng nghiên cứu mới và tiếp tục sẽ được nghiên cứu trong tương lai", PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong chia sẻ và đề nghị NCS tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu này và tiếp tục có những kết quả sâu hơn, rộng hơn về lĩnh vực nghiên cứu của mình.
 
Nguồn VKHTLVN
|